02/09/2016 - 16:53

Nhịp cầu dân cử

Cần có giải pháp khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại

Cử tri quận Cái Răng đề nghị ngành chức năng thông tin cho cử tri biết thành phố có biện pháp gì để giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nội dung trả lời của Sở Y tế thành phố như sau:

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của TP. Cần Thơ luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan. Công tác thanh kiểm tra được tăng cường, kết quả đã đạt được khả quan và có sự chuyển biến rõ rệt. Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố và chủ động phối hợp liên ngành để thực hiện các biện pháp kịp thời giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại. Cụ thể như sau:

- Phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản... kiểm soát ATTP các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, sơ chế và chế biến nông lâm thủy sản, . Đồng thời, kiểm tra định kỳ, đột xuất về tình hình đảm bảo điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh (thuốc thú y, thủy sản, phân bón, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học...) và cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản…

- Hướng dẫn cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000...).

- Kiểm soát ATTP các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, đặc biệt là tuyến quận, huyện và xã, phường, thị trấn; kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân cấp và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tuyến quận, huyện, xã, phường;

- Kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chợ và siêu thị: bao gồm quản lý nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng, hàng nhái, hàng giả...

- Giám sát ngộ độc thực phẩm: điều tra và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm, ngăn chặn sử dụng thực phẩm không an toàn.

- Tập huấn kiến thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, về an toàn thực phẩm.

- Truyền thông cho người tiêu dùng biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn.

- Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATTP theo quy định pháp luật.

- Tạo điều kiện và khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng nông sản tập trung áp dụng mô hình thực hành sản xuất tốt như: GMP, VietGap, GAP, HACCP.

Chia sẻ bài viết