10/05/2008 - 11:37

Cải tạo đất trồng - việc làm đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng thử nghiệm của IRRI tại Philippines. Ảnh: AP

(TTXVN)- Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) vừa công bố báo cáo khẳng định một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay là do đất canh tác ngày càng bạc màu.

Các chuyên gia của WRI cho biết việc tạo ra nhiều giống cây trồng cho năng suất cao đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân loại là việc làm cần thiết, song những giống cây được cải tiến cũng đồng nghĩa với việc đất canh tác sẽ ngày càng khô cằn. Đến nay đã có khoảng 1/5 diện tích đất canh tác trên toàn cầu bị bạc màu. Chất lượng đất canh tác sụt giảm khiến sản lượng lương thực bị giảm khoảng 1/6 so với trước đây. Riêng ở châu Phi, khoảng 2,5 triệu km2 đất canh tác đã có dấu hiệu cằn cỗi rõ rệt. Các loại hạt giống ngũ cốc mới có thể cho sản lượng trên 10 tấn/héc-ta, nhưng nông dân châu Phi chỉ có thể thu hoạch lượng sản phẩm bằng 1/8 con số đó.

Các nhà khoa học cho rằng việc làm đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu này là phải cải tạo đất trồng. Ông Hans Herren, đồng Chủ tịch Tổ chức quốc tế đánh giá tri thức nông nghiệp, khoa học và công nghệ cho phát triển (IAASTD), người từng đoạt “Giải lương thực thế giới”, khẳng định: “Dù giống có tốt cũng không thể phát triển trên đất cằn”. Trong khi đó, theo chuyên gia Robert Zeigler, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế về gạo (IRRI) tại Philippines, chính phủ các nước cần khuyến khích người dân thường xuyên cải tạo đất trồng.

Chia sẻ bài viết