06/12/2015 - 07:14

Bầu cử quốc hội ở Venezuela:

Cách mạng Bolivar trước thử thách đầy cam go

Mô hình xã hội chủ nghĩa của Venezuela đang đối mặt với "phép thử" khó khăn nhất, bởi cuộc bầu cử quốc hội ngày 6-12 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước suy yếu do giá dầu giảm mạnh, tỷ lệ lạm phát tăng cao, trong khi phe đối lập không ngừng gây hấn, bôi nhọ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.

Dự kiến, hơn 19,5 triệu cử tri Venezuela sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử chọn ra 167 nghị sĩ trên khắp 24 bang và thành phố cả nước. Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc đối đầu cam go nhất giữa trào lưu tiến bộ cánh tả với tư tưởng bảo thủ cánh hữu ở Venezuela nói chung và khu vực Mỹ Latinh nói riêng trong 20 năm trở lại đây. Theo kết quả thăm dò trước ngày bầu cử của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 85% số người dân Venezuela được phỏng vấn cho biết không hài lòng với những sự việc đang diễn ra trong nước. Trong khi đó, nhiều cuộc khảo sát khác cũng cho thấy liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) có khả năng giành thế đa số tại quốc hội với cách biệt từ 20-30% số phiếu.

Những người ủng hộ chính quyền Maduro mang di ảnh của cố Tổng thống Chavez diễu hành trên phố trước ngày bầu cử. Ảnh: Reuters

Nói đến Venezuela không thể không nhắc tới cố Tổng thống Hugo Chavez (1954-2013), người đã khởi xướng cuộc Cách mạng Bolivar xã hội chủ nghĩa ở nước Nam Mỹ. Trong suốt 17 năm qua, kể từ khi ông Chavez lần đầu tiên giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998 cũng đúng vào ngày 6-12, xã hội Venezuela đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Dưới ngọn cờ của cuộc Cách mạng Bolivar, đời sống của tầng lớp dân nghèo ở Venezuela đã được cải thiện nhờ các chương trình xã hội giảm nghèo như nhà ở và thực phẩm giá rẻ, giáo dục và y tế miễn phí... lên đến 650 tỉ USD trong giai đoạn 1999-2013. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm từ 14,5% năm 1999 xuống còn 5,5% trong năm 2014.

Tuy nhiên, Tổng thống Nicolas Maduro lên nắm quyền điều hành đất nước giữa lúc giá dầu bắt đầu giảm mạnh, khiến dự trữ ngoại tệ hiện nay của Venezuela chỉ còn gần 15 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Kim ngạch xuất khẩu dầu của Venezuela trong năm nay chỉ đạt 42,5 tỉ USD so với 74 tỉ USD năm 2014. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Venezuela, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ của nước này Trong khi đó, người dân phải thường xuyên đối mặt trước tình trạng thiếu thốn trầm trọng các nhu yếu phẩm cơ bản, tỷ lệ lạm phát tăng gấp 3 lần.

Bất chấp những khó khăn trước mắt, ông Maduro đã tuyên bố sẽ không từ bỏ sự nghiệp Cách mạng Bolivar ngay cả khi đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội lần này. PSUV hiện chiếm 99 ghế trong quốc hội sắp mãn nhiệm, đồng thời kiểm soát mọi nhánh chính phủ và các thể chế nhà nước. Ông cảnh báo một quốc hội do phe đối lập chiếm đa số sẽ là dấu chấm hết cho những "sứ mệnh xã hội" phục vụ tầng lớp người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Ông cáo buộc phe đối lập và giới doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện "chiến tranh kinh tế" gây ra tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm cơ bản nhằm làm bất ổn chính phủ và mất lòng tin nhân dân. Phe đối lập được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài không ngừng gây hấn và không từ bất kỳ thủ đoạn nào hòng bôi nhọ chính phủ, như đưa ra các thông tin bịa đặt về chính quyền Maduro.

HẢI NGUYỆT (Theo Guardian, AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết