06/04/2010 - 21:13

Đề án đào tạo nghề năm 2010

Bước chuẩn bị cho hành trình mới

Năm 2010, năm cuối thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ” (gọi tắt là Đề án Đào tạo nghề) giai đoạn 2006-2010, TP Cần Thơ sẽ có thêm trên 3.300 lao động được học các nghề phổ thông, phù hợp với thực tế trình độ, khả năng của người lao động. Có thể nói, Đề án Đào tạo nghề năm 2010 không chỉ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường mà còn để định hình và mở ra hướng đi mới. Đó là tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án “Đào tạo nghề đến năm 2020”), nhằm phục vụ yêu cầu nguồn nhân lực giai đoạn tới, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp...

* Kết thúc một chặng đường

Đa số chị em học viên tham gia lớp dạy nghề may gia dụng vừa khai giảng vào cuối tháng 3-2010 ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chuyên làm mướn, buôn bán nhỏ hay nội trợ, thu nhập hàng ngày không ổn định, có nhu cầu học nghề để tìm việc làm, thêm thu nhập. Chị Cẩm Xuyến, 42 tuổi, ở khu vực Bình Dương B, bộc bạch: “Lúc trước, tôi đi làm đủ các ngành nghề, từ tách vỏ hạt điều, gia công thuốc lá, nhổ lông vịt... nhưng công việc không bền do gia cảnh neo đơn, chồng đi làm thợ hồ, tôi phải chăm sóc con nhỏ. Bây giờ, con tôi đã lớn, tuổi tôi lại khó xin việc làm nên đăng ký học nghề may để có thể tìm mối may hàng gia công tại nhà, kiếm thêm thu nhập phụ chồng trang trải chi tiêu trong gia đình”. Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, cho biết: “Sau 4 tháng học nghề miễn phí, học viên được cấp Chứng chỉ nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), được trang bị máy may để có thể luyện tập để thạo nghề cũng như tạo việc làm tại gia đình. Học viên nào muốn làm công nhân ở các công ty may, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn làm hồ sơ và giới thiệu việc làm ngay”.

Giờ thực hành của học viên lớp dạy nghề kỹ thuật uốn tóc ở phường Long Hưng, quận Ô Môn. 

Do gia cảnh khó khăn, Nguyễn Thị Pha, ở khu vực Phú Luông, phường Long Hưng, quận Ô Môn, phải nghỉ học từ năm lớp 6 để phụ cha mẹ làm mướn sinh sống. Từ lâu, Pha rất thích học nghề uốn tóc nhưng học phí rất cao, cha mẹ không lo nổi nên Pha đành phải gác ước mơ học nghề. Mới đây, được mấy dì trong Hội Phụ nữ giới thiệu học lớp dạy uốn tóc, Pha vui mừng lắm. Pha cho biết: “Em rất vui và cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mấy dì ở Hội Phụ nữ. Học xong khóa này, em sẽ xin làm thợ phụ cho các cơ sở làm đẹp gần nhà để rèn vững tay nghề. Sau này có điều kiện, em sẽ mở tiệm”. Còn Hữu Hiền, rất thích nghề làm đẹp cho phụ nữ nên học rất sáng dạ, khéo tay và quyết tâm trở thành chủ tiệm để phục vụ cho mọi người. Cô Lương Thị Huế, giáo viên hướng dẫn kỹ thuật của lớp, cho biết: “Chúng tôi dành nhiều thời gian cho học viên thực hành các thao tác kỹ thuật, như: cắt, uốn, duỗi tóc, làm móng, massage mặt... Đảm bảo các học viên thi tay nghề cuối khóa đạt kết quả khả quan và được cấp Chứng chỉ nghề, thuận lợi khi xin việc làm”.

Ông Nguyễn Quang Nhã, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, cho biết: “Ngay từ đầu năm, quận đã yêu cầu các phường đăng ký lớp, ngành nghề, trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm của người lao động ở các khu vực”. Năm 2010, quận Ô Môn được phân bổ 14 lớp dạy các nghề: May gia dụng, kỹ thuật uốn tóc, đan thảm vải... cho trên 400 lao động.

* Mở hướng đi mới

Theo kế hoạch, năm 2010, năm cuối thực hiện Đề án Đào tạo nghề giai đoạn 2006-2010, thành phố sẽ kết hợp với trên 20 đơn vị đào tạo, tổ chức 112 lớp dạy nghề miễn phí cho trên 3.300 lao động, gồm 22 ngành nghề đào tạo. Từ giữa tháng 3-2010 đến nay, các quận, huyện đã mở gần 20 lớp, với khoảng 600 lao động theo học nghề.

Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó phòng Quản lý - Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: Đề án Đào tạo nghề được triển khai trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và giải quyết việc làm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Số lớp nghề phân bổ đều phù hợp trên cơ sở nhu cầu thực tế, phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao tay nghề cho người lao động gồm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Thời gian đào tạo từ 1,5 tháng đến 4 tháng tùy theo nghề, dưới hình thức lưu động tại các quận, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, tăng cường kỹ năng thực hành theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Những lao động thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc, người tàn tật, chuyển đổi ngành nghề, hành nghề xe lôi, xe ba gác máy... có nhu cầu học nghề để tìm việc làm và ổn định thu nhập đều được tham gia học nghề miễn phí.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án Đào tạo nghề thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong đó, hạn chế lớn nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động các địa phương ý thức về tầm quan trọng của việc học nghề để có tay nghề nhất định, theo kịp xu thế phát triển nguồn nhân lực sắp tới. Chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo nghề, các đoàn thể thiếu chủ động điều tra, khảo sát tình hình lao động và nhu cầu học nghề của người lao động cũng như chưa tích cực tìm nguồn giải quyết việc làm, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, cho vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng nghề đã học vào thực tiễn. Chính vì vậy, Đề án Đào tạo nghề chưa thật hấp dẫn, chưa thu hút nhiều lao động học nghề hay học nghề với tâm trạng “học cho có”, thiếu định hướng nghề nghiệp tương lai.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, năm 2010, Đề án Đào tạo nghề tiếp tục thực hiện với các giải pháp, như: Tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của công tác đào tạo nghề; mở rộng mạng lưới dạy nghề, tăng qui mô đào tạo trung cấp nghề; kết hợp dạy nghề với dạy văn hóa; xã hội hóa công tác dạy nghề; thực hiện các chính sách hỗ trợ người học nghề như miễn học phí, cho vay vốn tạo việc làm; đãi ngộ đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề theo Đề án; khảo sát tình hình việc làm sau học nghề để có sự điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế... Bên cạnh đó, đã có nhiều ý kiến của đại diện các ngành chức năng cho rằng, để nâng cao chất lượng Đề án Đào tạo nghề theo đúng định hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của TP Cần Thơ trong tương lai, cần bố trí thời gian giảng dạy hợp lý để giáo dục và hướng nghiệp trước khi dạy nghề, giúp học viên có sự hình dung cơ bản về nghề, về khái niệm mục tiêu nghề nghiệp để từ đó xác định được việc làm lâu dài. Đây cũng là bước khởi động thật sự cần thiết, vừa giúp học viên thêm hiểu biết, hưng phấn để yêu thích và chú tâm học nghề hơn.

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề năm 2010, khép lại Đề án Đào tạo nghề giai đoạn 2006-2010, chuẩn bị tốt hơn cho Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (thành phố chia làm 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020), ngay thời điểm này, trên cơ sở Chỉ thị số 27 -CT/TU của Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020, ngành chức năng thành phố đang tập trung xây dựng Đề án Đào tạo nghề đến năm 2020 để các Sở, ngành tham gia góp ý, điều chỉnh cho phù hợp. Sau đó, trình UBND thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện ở các quận, huyện.

Việc thực hiện có chất lượng và hiệu quả Đề án Đào tạo nghề năm 2010 cùng với việc các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đến năm 2020, chú trọng đánh giá thực trạng lao động nông thôn trên địa bàn, dự báo nhu cầu lao động học nghề, cơ cấu ngành nghề đào tạo sát hợp với tình hình phát triển của địa phương... là rất cần thiết, hướng đến mục tiêu trang bị tay nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU của Thành ủy Cần Thơ.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết