25/06/2022 - 21:53

BRICS thúc đẩy kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới 

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS lần thứ 14 do Trung Quốc chủ trì tập trung vào việc thiết lập một nền kinh tế thế giới lành mạnh và phát triển bền vững, với chủ đề “Xây dựng quan hệ đối tác chất lượng cao giữa các nước BRICS, tạo ra kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới”.

Ảnh: Xinhua

Ảnh: Xinhua

Ý tưởng bao trùm hội nghị trực tuyến, diễn ra từ ngày 22-24/6, có lẽ đã được phản ánh qua tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông kêu gọi các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mang lại sức mạnh tích cực, ổn định và xây dựng cho thế giới trong bối cảnh tình hình phức tạp và khó khăn như hiện nay.

 “Tuyên bố Bắc Kinh” kết thúc hội nghị cho thấy rõ những quan điểm “vị phát triển” và cân bằng của BRICS - khu vực có hơn 3 tỉ dân, chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 20% trao đổi thương mại, khoảng 25% vốn đầu tư trực tiếp và 35% tổng dự trữ của thế giới. Theo đó, bất chấp đại dịch COVID-19 và các thách thức khác, năm 2022, các nước BRICS cùng nhau tiếp tục tăng cường đoàn kết và làm sâu sắc hơn hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, hòa bình và an ninh, giao lưu nhân đạo, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Các nhà lãnh đạo lưu ý rằng quan hệ trong BRICS được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, đoàn kết, cởi mở, bao trùm và đồng thuận. Tuyên bố kêu gọi các định chế tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế được khuyến khích “đóng vai trò xây dựng trong việc đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa rủi ro hệ thống về sự tan rã và phân mảnh của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế”. Tuyên bố cũng cho rằng “sự phục hồi không đồng đều đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, làm tăng trưởng toàn cầu chậm lại và triển vọng kinh tế xấu đi”.

Tuyên bố Bắc Kinh bày tỏ ủng hộ duy trì vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong hệ thống quốc tế và cho rằng cần phải cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ để tăng tính đại diện cho cơ quan này. BRICS cũng tái khẳng định ủng hộ vai trò hàng đầu của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) trong quản trị kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh G20 cần duy trì tính toàn vẹn và ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay.

Về các vấn đề nổi cộm trên thế giới, các nhà lãnh đạo BRICS đã bày tỏ ủng hộ đàm phán giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột giữa hai bên. BRICS cam kết “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”, đồng thời nhấn mạnh “cam kết giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại và tham vấn… Ủng hộ mọi nỗ lực dẫn đến giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng”. Đối với vấn đề năng lượng, các nhà lãnh đạo BRICS xác nhận vai trò cơ bản của an ninh năng lượng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận các nguồn năng lượng giá rẻ, tin cậy, bền vững và hiện đại. Về an ninh lương thực, BRICS muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực của khối và toàn thế giới vì khối này đóng góp 30% lương thực toàn cầu.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng qua hội nghị thượng đỉnh này, BRICS đang tìm cách hình thành “sức mạnh tổng hợp” bằng cách xây dựng quan hệ đối tác chất lượng cao nhằm đóng góp đáng kể hơn vào việc kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mở ra một trang mới trong lịch sử nền kinh tế toàn cầu.

DUY TRINH - Phóng viên TTXVN tại LB Nga

Chia sẻ bài viết