02/10/2022 - 18:43

Bảo vệ khách hàng trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Với hành trình tiên phong chuyển đổi số (CÐS), ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực huy động sự tham gia của toàn dân, để toàn dân được hưởng lợi. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các chuyên gia kinh tế, việc định hướng chính xác xu hướng CÐS sẽ giúp ngành ngân hàng đưa ra các giải pháp CÐS phù hợp, phục vụ khách hàng tốt hơn và đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu CÐS đã đề ra trong trung và dài hạn.

Kết quả khả quan

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành ngân hàng tiên phong CÐS: Ðể toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi", tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đại diện Vụ Thanh toán, NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế đều ghi nhận những thành quả nổi bật của ngành Ngân hàng về CÐS. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng đã tập trung đầu tư vốn, công nghệ, con người vào CÐS từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực mạnh để chi cho CÐS. Ðại dịch là một minh chứng cho kết quả CÐS của ngành Ngân hàng khi trong thời kỳ giãn cách người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch, thanh toán, vẫn mua hàng, vẫn đảm bảo quy định về cách ly. Nếu không nhờ CÐS từ trước, các ngân hàng đã không đạt được những kết quả đáng khích lệ như thế. Ngân hàng nào CÐS sớm cũng thành công sớm nhất, lợi nhuận vẫn tăng cao ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Trong quá trình đó, hệ thống thanh toán của ngành Ngân hàng thông suốt, đảm bảo tất cả các giao dịch được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo niềm tin cho người dân, người sử dụng và cho cả cán bộ trong ngành Ngân hàng khi CÐS trong toàn hệ thống.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ.

Ngành Ngân hàng CÐS tốt sẽ góp phần định hình nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, hình thành hệ sinh thái trong nền kinh tế số, tham gia phục vụ người dân tốt hơn. Ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối công nghệ thông tin và Ngân hàng điện tử kiêm Phó Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số HDBank, cho biết: HDBank là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm eKYC (định danh khách hàng trực tuyến) và nâng dần lên dịch vụ thông qua videocall để nâng hạn mức giao dịch của khách hàng. Hai là triển khai đẩy mạnh ứng dụng robot trong tự động hóa các quy trình vận hành, tiết kiệm chi phí và tăng thời gian phục vụ trong các hoạt động của ngân hàng. HDBank phối hợp với các đối tác lớn như Petrolimex, Vietjet đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt; chú trọng thanh toán trực tuyến để dịch chuyển dần giao dịch ở kênh tại quầy truyền thống sang kênh giao dịch số. Ðẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng Mobile App của HDBank với rất nhiều sản phẩm dịch vụ đã được triển khai trên kênh Mobile App này.

CÐS chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CÐS mang lại.Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN, ngành Ngân hàng đã xác định từ rất sớm CÐS là yêu cầu tất yếu để tồn tại, phát triển trong kỷ nguyên số. Trong quá trình CÐS, các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ, số hóa hoạt động để trở thành ngân hàng số đúng nghĩa, cung cấp các dịch vụ ngân hàng số để phục vụ khách hàng, người dân, doanh nghiệp, làm sao để người dân, doanh nghiệp trở thành chủ nhân đích thực của công cuộc CÐS. Ðồng thời đã xây dựng chiến lược CÐS và tổ chức thực thi trong thực tế, tích cực chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), AI để số hóa hoạt động nghiệp vụ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và cung cấp những sản phẩm dịch vụ trên kênh số, tích cực CÐS có trọng tâm, trọng điểm.

Đảm bảo an ninh, an toàn

Bên cạnh những kết quả đạt được về CÐS, các chuyên gia cũng thẳng thắn nhận định hành lang pháp lý đáp ứng CÐS ngành ngân hàng còn thiếu và không đồng bộ. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Xuân Hòe, chia sẻ: Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa đổi, Luật Kế toán, quy định liên quan đến chữ ký số còn vướng mắc ảnh hưởng đến số hóa ngành Ngân hàng, Luật về chia sẻ dữ liệu dân cư cần được xem xét để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng… Các tổ chức tín dụng cần nguồn vốn lớn để đầu tư công nghệ thông tin rất lớn. Trong môi trường số, nguồn nhân sự phải được đào tạo để vận hành hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn. Hiện trạng hacker, tội phạm tấn công trên không gian mạng, đánh cắp danh tính, tài khoản, mật khẩu, chiếm đoạt tiền của khách hàng… ngày càng nhiều song nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về CÐS, sử dụng sản phẩm số còn chưa bắt kịp sự phát triển của công nghệ, dẫn đến tình trạng chủ quan liên quan đến bảo mật thông tin, tài khoản. Các thách thức này làm cản trở tốc độ CÐS ngành Ngân hàng. Do đó, khi hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện, ngành Ngân hàng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong thực
hiện CÐS

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN, CÐS là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Số chỉ là công cụ là đòn bẩy, còn chuyển đổi đặt ra yêu cầu phải thay đổi rất lớn từ nhận thức, văn hóa, đến khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng. Trong kỷ nguyên số ngoài công nghệ ra, dữ liệu là quan trọng. Ngành Ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn cung cấp các dịch vụ ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số, kết nối với bên thứ 3, các công ty Fintech để làm sao cung cấp các dịch vụ an toàn, phục vụ cho người dân ngay trên thiết bị điện tử cá nhân. Trong kỷ nguyên số, rủi ro về an ninh mạng rất lớn và thường trực, ngày càng lớn hơn. Vì vậy, NHNN đã xác định phải ban hành những quy định về đảm bảo an ninh thông tin, an toàn trong quá trình thực hiện dịch vụ. Trong kỷ nguyên số, khách hàng là trung tâm, là đối tượng thụ hưởng thành quả của CÐS ngành Ngân hàng nhưng cũng đồng thời là đối tượng dễ bị tổn thương. Vì thế, người dùng cần được cung cấp thông tin, đào tạo kiến thức, kỹ năng tài chính an toàn để sử dụng tốt nhất các dịch vụ số của ngân hàng.

Chia sẻ bài viết