24/04/2019 - 13:04

Báo động khủng hoảng rác thải toàn cầu 

Việc tái chế rác thải trên toàn cầu trở nên hỗn loạn, trong đó “nạn nhân chính” lại là những quốc gia đang phát triển.

Rác thải tại một cơ sở tái chế ở gần thành phố Adelaide, Úc. Ảnh: AFP

Rác thải tại một cơ sở tái chế ở gần thành phố Adelaide, Úc. Ảnh: AFP

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc tiếp nhận lượng lớn rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới để tái chế. Nhưng đầu năm 2018, quốc gia đông dân nhất thế giới đã cấm nhập rác thải nhựa và những thứ có thể tái chế khác nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí. Theo dữ liệu của tổ chức Greenpeace Đông Á và Liên minh toàn cầu các giải pháp thay thế đốt rác (GAIA) công bố ngày 23-4, rác thải nhựa nhập khẩu tại Trung Quốc đại lục đã giảm từ 600.000 tấn/tháng năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 30.000 tấn/tháng trong năm ngoái. Khi các trung tâm tái chế đóng cửa, các công ty xử lý của Trung Quốc chuyển địa điểm sang các quốc gia Đông Nam Á. Lượng lớn rác thải nhựa cũng hướng đến những nước này.

Do có số lượng người nói tiếng Hoa đông đảo, Malaysia là lựa chọn hàng đầu cho các nhà tái chế Trung Quốc. Được biết, lượng rác thải nhựa nhập khẩu vào Malaysia hồi năm ngoái đã tăng gấp 3 lần so với năm 2016, lên 870.000 tấn. Cách thủ đô Kuala Lumpur không xa, các nhà máy xử lý rác thải nhựa “mọc lên như nấm” ở thị trấn nhỏ Jenjarom, bị cho là xả khói độc cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng sức khỏe người dân địa phương. Những núi rác thải nhựa ngày càng cao bởi các công ty tái chế xử lý không xuể số lượng lớn bao bì ồ ạt đổ tới mỗi ngày từ những quốc gia xa xôi như Đức, Mỹ và Brazil.

Những nước bị ảnh hưởng đáng kể bởi lệnh cấm của Trung Quốc, bao gồm Thái Lan, cũng đã đưa ra biện pháp hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa hồi giữa năm ngoái, song dòng phế liệu này vẫn đổ về các quốc gia khác mà không gặp trở ngại, như Indonesia, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Khi một quốc gia thắt chặt chính sách nhập khẩu, rác thải nhựa sẽ chảy về những nước chưa đặt ra các quy định hạn chế.

Việc Bắc Kinh ngừng nhập khẩu rác thải cũng khiến nhiều nước công nghiệp gặp khó trong việc tìm nơi xuất khẩu phế liệu. “Nó giống như một cơn địa chấn” - Arnaud Brunet, tổng giám đốc tổ chức Hiệp hội Tái chế Quốc tế trụ sở tại Bỉ, mô tả. Các quốc gia Úc, châu Âu và Mỹ đang cuống cuồng tìm những nơi khác để “tống khứ” số rác thải nhựa và những thứ có thể tái chế còn lại. Họ sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn nếu chọn giải pháp xử lý trong nước và một số trường hợp phải đưa rác thải đến các bãi rác bởi lượng phế liệu tăng quá nhanh. Theo GAIA, Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản nằm trong số những nước xuất khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới.

Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các quy định nhập khẩu rác thải nhựa, số lượng vật liệu này xuất khẩu đã giảm từ 11,34 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2016 xuống còn 5,83 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2018. Dù vậy, GAIA cho rằng sản xuất nhựa dự kiến tăng 40% trong 10 năm tới. Do chỉ có 9% sản phẩm nhựa được tái chế, các nhà hoạt động đề xuất giải pháp duy nhất và lâu dài để giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa là các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng  giảm bớt sử dụng đồ dùng bằng nhựa, nhất là nhựa đóng gói sử dụng một lần.

THANH BÌNH (Theo AFP, Rappler)

Chia sẻ bài viết