22/01/2019 - 07:16

Báo động cách biệt giàu - nghèo 

Một ngày trước khi Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới khai mạc ở Davos (Thụy Sĩ), tổ chức phi lợi nhuận Oxfam công bố báo cáo cho thấy 26 tỉ phú giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản bằng 3,8 tỉ người thuộc nhóm nghèo nhất.

Một doanh nhân đi ngang một phụ nữ vô gia cư ở thành phố New York, Mỹ.  Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo hôm 21-1, tổng tài sản của các tỉ phú USD trên toàn cầu đã tăng 12% (tương đương 900 tỉ USD) trong năm 2018, tức có thêm 2,5 tỉ USD/ngày. Trong khi đó, tài sản của 3,8 tỉ người thuộc nửa dưới bảng xếp hạng giàu nghèo, tức 50% dân số thế giới, giảm 11%, tương đương 500 triệu USD/ngày. Nếu như năm 2017 phải cần đến 43 người giàu nhất thế giới để có tổng tài sản bằng nửa nhân loại nghèo nhất, thì một năm sau con số này chỉ là 26. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, số lượng tỉ phú đã tăng gấp đôi. Cứ mỗi 2 ngày, danh sách tỉ phú thế giới lại có thêm một gương mặt mới.

Theo Oxfam, những phát hiện trên cho thấy cần có một cách tiếp cận mới đối với việc phân phối tài sản. Nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế học tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ có lợi cho tất cả, nhưng thực tế không phải vậy. Lý do là vì gần đây thuế suất đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, qua đó “tiếp tay” cho giới nhà giàu và các tập đoàn nắm giữ nhiều tài sản hơn. Cụ thể, ở những nước giàu, mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất đã giảm từ 62% năm 1970 xuống còn 38% năm 2013. Cách đây 2 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump (cũng là một tỉ phú) thậm chí còn giảm thuế cho những cá nhân và doanh nghiệp, bước đi được cho là ưu ái người giàu.

Theo Paul O’Brien - Phó chủ tịch chính sách của Oxfam tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách bảo thủ nghĩ rằng giảm thuế cho người giàu và doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng, để rồi tạo ra thêm nhiều việc làm và lương bổng cao hơn cho những lao động có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy những chính sách này phát huy tác dụng.

Do đó, thay vì một nền kinh tế chú trọng tăng trưởng bằng mọi giá, Oxfam kêu gọi phát triển “nền kinh tế nhân tính”. Nền kinh tế này sẽ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới cho mọi người trên thế giới. Dữ liệu cho thấy giáo dục con em là giải pháp tốt nhất để xây dựng nền kinh tế lành mạnh và tài sản được chia sẻ hợp lý hơn. Cũng cần gỡ bỏ rào cản về văn hóa và pháp lý đối với những phụ nữ vốn bị đối xử bất công tại công sở. Được biết, 3,4 tỉ người sống trong nghèo khó có thu nhập chưa đến 5,5 USD/ngày và phụ nữ thường là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Để hỗ trợ kinh phí cho những chương trình nói trên, phải tăng thuế đối với giới siêu giàu và các tập đoàn lớn. Theo tính toán của Oxfam, chỉ cần 1% người giàu nhất thế giới nộp thêm 0,5% thuế dựa trên mức tài sản của họ thì sẽ đủ chi phí cho 262 triệu trẻ em đến trường và hỗ trợ chăm sóc y tế, cứu sống 3,3 triệu người.

Người giàu nhất thế giới hiện nay là Jeff Bezos, nhà sáng lập tập đoàn Amazon, với khối tài sản lên đến 137 tỉ USD. Theo AFP, 1% tài sản của ông này tương đương với ngân sách dành cho y tế của Ethiopia, một quốc gia Đông Phi có 105 triệu người.

THANH BÌNH (Theo Huffington Post, CBS News)

Chia sẻ bài viết