12/03/2019 - 07:01

Bắc Cực trong toan tính của các cường quốc 

Cạnh tranh khai thác tài nguyên là không thể tránh khỏi, nhưng giới phân tích nhận định cuộc đua giành ảnh hưởng ở Bắc Cực cũng đồng thời làm tăng nhu cầu hợp tác giữa Mỹ- Nga-Trung Quốc khi cả 3 chia sẻ lợi ích chung tại nơi giàu tiềm năng chính trị và kinh tế này.

Tàu phá băng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tại Bắc Băng Dương. Ảnh: NYT

Tàu phá băng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tại Bắc Băng Dương. Ảnh: NYT

Theo các nhà quan sát, có thể coi Mỹ là “cường quốc bất đắc dĩ” tại Bắc Cực khi Washington gần như hạn chế đầu tư dọc theo vùng biển Alaska, không chú trọng các sứ mệnh quân sự cũng như hoạt động ngoại giao tại khu vực này. Trái lại, Nga từ năm 2014 bắt đầu khôi phục một số căn cứ quân sự bị bỏ hoang ở Bắc Cực thời Liên Xô, xây mới hàng loạt doanh trại, sân bay và chuỗi các cảng biển dọc vùng lãnh thổ phía Bắc. Ngoài chiến lược tăng cường hiện diện quân sự, Mát-xcơ-va còn đi đầu trong phát triển cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực.

Bắc Kinh cũng tích cực mở rộng hoạt động tại khu vực này khi lần đầu cho công bố Sách trắng mang tên “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc”. Với tham vọng trở thành cường quốc hàng hải trên vùng biển nơi đây, Trung Quốc tự nhận mình là quốc gia “gần Bắc Cực” và kêu gọi các bên hợp tác xây dựng “Con đường tơ lụa” trên vùng rìa phía Bắc của Canada như một phần của Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Ngoài tăng cường đầu tư các ngành công nghiệp ở Iceland, Greenland và Nga, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh vai trò trong các hoạt động nghiên cứu ở Bắc Cực.

Việc Nga, Trung Quốc ngày càng tích cực mở rộng hoạt động ở “vùng đất trắng” gần đây được Chính phủ Mỹ quan tâm. Theo Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc tế (ISAB) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington cần tăng cường năng lực hoạt động ở Bắc Cực để đề phòng các cuộc khủng hoảng an ninh trong tương lai. Trước quan ngại có thể bị loại khỏi cuộc đua, Quốc hội Mỹ hồi tháng 1 năm nay đã thông qua ngân sách 675 triệu USD đóng tàu phá băng mới nhằm cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Mỹ hiện chỉ vận hành một tàu phá băng cỡ lớn trong khi Mát-xcơ-va sở hữu hạm đội hơn 40 tàu phá băng, bao gồm một số tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc cũng đang vượt lên với tàu phá băng nội địa thứ 2 sắp hoàn thành.

Trong chuyến thăm Iceland gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận với đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực. Diễn biến này cho thấy Washington bắt đầu thay đổi chính sách về phương Bắc, dấy lên quan ngại cạnh tranh tài nguyên ở Bắc Cực có thể biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa các cường quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ phức tạp vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa Nga-Trung Quốc ở Bắc Cực sẽ không gây ra mối đe dọa lớn cho lợi ích của Mỹ. Trái lại, có ý kiến cho rằng Washington có thể xem xét thúc đẩy quan hệ đối tác với cả hai cường quốc này. Thực tế là Mỹ đang hợp tác với Nga và Trung Quốc trong vấn đề ngăn chặn đánh bắt cá thương mại ở Bắc Cực, cũng như trong việc nghiên cứu khu vực băng giá này.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bắc Cực