29/04/2013 - 20:59

Anh-Mỹ và “sự ảo tưởng nguy hiểm”

Trong quyển sách mới nhất mang tên "A Dangerous Delusion: Why the West is Wrong about Nuclear Iran" (tạm dịch Sự Ảo tưởng Nguy hiểm: Tại sao phương Tây sai lầm về hạt nhân của Iran), cả hai tác giả Peter Oborne và David Morrison cho rằng phương Tây hiện đang đứng trước nguy cơ đi theo "vết xe đổ" ở Iraq trong vấn đề Iran.

Cả hai tác giả của quyển sách nói trên cùng nhận định, những phán xét "dối trá và sai lầm" tương tự về kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein hơn 10 năm trước đang được "tái sử dụng" trong trường hợp Iran. Theo đó, nước này hiện đang bị phương Tây cáo buộc là "một quốc gia hiếu chiến dưới sự cai trị của giáo sĩ Hồi giáo, theo đuổi con đường vũ khí hạt nhân và có ý định hủy diệt Israel". Nếu những điều này là sự thật, việc đe dọa quân sự của Israel, Mỹ và Anh để chống lại giới lãnh đạo Iran sẽ "hợp tình hợp lý". Nhưng đáng nói là nó không đúng như những gì phương Tây công bố.

    Cơ sở hạt nhân của Iran được mở cho thanh sát viên của IAEA. Ảnh: AP 

Trước hết, về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Chính trong Báo cáo Tình báo Quốc gia (NIE)- vốn là bản đánh giá chính thức bày tỏ quan điểm đồng thuận của 16 cơ quan tình báo Mỹ về các hoạt động hạt nhân của Iran vào tháng 10-2007 cũng khẳng định Tehran đã ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và không ngại nói thêm rằng, Cộng hòa Hồi giáo đã không khởi động lại chương trình vũ khí hạt nhân cho đến giữa năm 2007. Giới tình báo Mỹ không thay đổi quan điểm trên và phía Israel một năm trước cũng bày tỏ sự đồng thuận về điều này khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel- Tướng Benny Gantz nói với tờ Haaretz rằng ông không tin Iran sẽ quyết định phát triển vũ khí hạt nhân.

Không dừng lại, tác giả cuốn sách còn phơi bày nhiều nghịch lý tồn tại quanh vấn đề hạt nhân của Iran. Không ai có thể nói chắc chắn rằng Iran có hay không bí mật phát triển vũ khí hạt nhân nhưng chắc chắn rất khó để làm như vậy. Một phần bởi Iran là thành viên của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) và hiện vẫn luôn cam kết với những nghĩa vụ, bổn phận theo hiệp ước này. Ngoài ra, theo khẳng định của phần lớn các chuyên gia thì không thể có chuyện Iran ngang nhiên sản xuất uranium cấp vũ khí để phát triển bom nguyên tử mà các thanh tra Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lại không phát hiện ra, trong khi Tehran vẫn rộng cửa cho thanh sát viên IAEA kiểm tra các cơ sở hạt nhân trong nước. Ngoài ra, IAEA nhiều năm qua cũng xác nhận rằng không có vật liệu hạt nhân phục vụ mục đích quân sự được chuyển đi từ các cơ sở này.

Vấn đề mâu thuẫn đáng nói ở đây là mặc dù vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn Iran có hay không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng các nước phương Tây vẫn kiên quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa hành động quân sự. Trong khi đó, Israel (với khoảng 400 quả bom hạt nhân và năng lực tấn công bất cứ nơi nào ở Trung Đông) ngược lại tiếp nhận hơn 3 tỉ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ Mỹ. Các cơ sở hạt nhân của Tel Aviv cũng gần như đóng kín trước yêu cầu kiểm tra quốc tế. Mặt khác, những thông tin cơ bản về các hoạt động hạt nhân của Iran đều được công khai nhưng giới truyền thông và chính trị Anh lại hiếm khi đề cập bất kỳ thông tin nào trong đó. Và kết quả là hầu như cộng đồng ở Anh trên phương diện nào đó đều có nhận thức sai lầm về vấn đề hạt nhân của Iran, thậm chí là sai hoàn toàn.

Trong năm 2005, Iran từng đề ra thỏa thuận trong cuộc họp với một nhóm đàm phán châu Âu tại Pháp, trong đó Tehran tỏ ra sẵn sàng để quốc tế kiểm tra tất cả các cơ sở hạt nhân trong nước cùng một loạt các nhượng bộ khác miễn là phương Tây công nhận quyền làm giàu uranium của Cộng hòa Hồi giáo vì mục đích hòa bình theo hiệp ước NPT. Tuy nhiên, các nguồn tin từ nước ngoài cho biết cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đại diện cho cựu Tổng thống Mỹ George Bush đã bác bỏ thỏa thuận trên. Chính điều này đã dẫn đến sai lầm lớn nhất của phương Tây là cáo buộc Iran đang tỏ ra cứng rắn từ chối tham gia đàm phán một cách hợp lý với phương Tây, dù Tehran nhiều lần cho thấy mình đã sẵn sàng để thương lượng.

Hiện tại, hướng giải quyết như vậy có thể thực hiện với điều kiện Mỹ và phương Tây bỏ đi quan điểm cô lập mà thay vào đó là hành động công nhận Iran là một quốc gia độc lập với lợi ích hợp pháp trong khu vực. Trái lại, nếu cứ tiếp tục, thế giới trong vài tháng tới có thể rơi vào một thế cục ảm đạm với các cuộc chiến tranh mới, gia tăng nguy cơ sụp đổ nền kinh tế toàn cầu. Một kết quả như vậy sẽ không chỉ dùng từ "khủng khiếp" để hình dung, trong khi hoàn toàn có thể xóa bỏ "sự ảo tưởng nguy hiểm" đó.

VI VI (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết