19/04/2016 - 21:11

Vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

Anh kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của tòa

Về vụ kiện của Philippines chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh đặc trách khu vực Đông Á Hugo Swire hôm 18-4 khẳng định phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài "phải mang tính ràng buộc", đồng thời nhấn mạnh Anh có cùng quan điểm với Mỹ và cộng đồng quốc tế là ủng hộ quyết định của tòa đối với vụ kiện này.

Hồi tháng 1-2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) khi cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Đến tháng 10-2015, PCA ra phán quyết bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng "tranh chấp giữa các bên thực chất là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông", điều này đồng nghĩa PCA có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines về yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc. Dự kiến, PCA sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Đại diện Philippines trong một bài phát biểu tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan). Ảnh: PCA

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 18-4, đại diện ngoại giao Anh cho biết đây là cơ hội để Trung Quốc và Philippines làm mới quá trình đối thoại giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Mặt khác, ông Swire cho rằng luật pháp quốc tế là hệ thống mà các nước phải tuân thủ. Do đó, Anh hy vọng phán quyết sắp tới của PCA "có tính ràng buộc" và được các bên liên quan tôn trọng. Anh cùng với Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ phán quyết của tòa.

Trong khi đó, tại hội thảo về Biển Đông được tổ chức ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tuần rồi, Phó Vụ trưởng Vụ chuyên trách các vấn đề biên giới và hải dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Xiao Jianguo khẳng định quan điểm của Bắc Kinh về vụ kiện với Philippines vẫn là "không chấp nhận, không tham gia, không công nhận và không thực hiện" phán quyết của tòa. Người này thậm chí còn cáo buộc việc Philippines đệ trình sự việc lên PCA là "hành động đơn phương" và "khiêu khích chính trị dưới vỏ ngoài pháp luật", "đe dọa nghiêm trọng đến hợp tác khu vực". Trước đó vào tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mà Anh là một nước thành viên từng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của PCA, nếu không sẽ phải trả một cái giá rất đắt trước sự cô lập của cộng đồng quốc tế.

Trong tuyên bố hôm 18-4, ông Swire khẳng định Anh coi trọng tự do hàng hải và hàng không. Theo ông Swire, dù quan hệ giữa Anh với Trung Quốc đang "nồng ấm, nhưng không có nghĩa "chúng tôi không quan tâm đến những vấn đề quan trọng" như các cáo buộc về vi phạm nhân quyền hay yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông. "Chúng tôi muốn nói rõ với Trung Quốc rằng Anh chỉ có thể hợp tác dựa trên nguyên tắc cởi mở và minh bạch, tuân thủ luật pháp quốc tế" – ông Swire nhấn mạnh.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN, AP)

Mỹ phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đảo tranh chấp

Quân đội Mỹ ngày 19-4 đã lên tiếng phản đối Trung Quốc đáp máy bay quân sự trên Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo CNN, trong thông báo gửi tới đài này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis viết: "Chúng tôi đã biết việc một máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Chữ Thập hôm 18-4, mà Trung Quốc gọi là hoạt động nhân đạo nhằm cấp cứu 3 công nhân bị bệnh. Hiện chưa rõ vì sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự mà không phải một máy bay dân sự". Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc khẳng định lại việc họ không có kế hoạch điều động hay luân phiên đưa máy bay quân sự tới các tiền đồn đã dựng lên ở quần đảo Trường Sa và duy trì những cam kết trước đó của họ".

Chia sẻ bài viết