05/09/2019 - 08:18

Anh hướng tới bầu cử sớm 

Trong khi thời hạn rời Liên minh châu Âu (EU) đang cận kề, nước Anh đang đối mặt khả năng bầu cử sớm sau khi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thất bại trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tại quốc hội.

Người biểu tình phản đối Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: AFP

Người biểu tình phản đối Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: AFP

Với tỷ lệ 328/301, các nhà lập pháp ở hạ viện đã thành công “đánh đắm” kế hoạch của Thủ tướng Johnson đưa Anh rời EU (Brexit) mà không thỏa thuận. Phe phản đối nói rằng họ không muốn ông Johnson chơi trò may rủi với quốc gia từng là một trong những trụ cột của phương Tây về kinh tế và ổn định chính trị. Ngoài thành viên các đảng đối lập, “liên minh những người chống đối” còn gồm 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền. Đáng chú ý trong số này là Nicholas Soamoes, cháu trai cựu Thủ tướng Anh trong thời kỳ Thế chiến thứ hai Winston Churchill và hai cựu bộ trưởng tài chính Philip Hammond cùng Kenneth Clarke.

Theo giới quan sát, kết quả bỏ phiếu hôm 3-9 là bước đệm cho phép các nhà lập pháp nắm quyền kiểm soát chương trình nghị sự của quốc hội; mở đường cho cuộc bỏ phiếu tiếp theo nhằm thông qua dự luật buộc Thủ tướng Johnson yêu cầu EU trì hoãn Brexit đến cuối tháng 1-2020 (thay vì ngày 31-10 tới), trừ khi người đứng đầu chính phủ đưa ra thỏa thuận với các điều khoản và phương thức “ly hôn” được quốc hội chấp thuận. Viễn cảnh này đẩy ông Johnson vào hoàn cảnh tương tự người tiền nhiệm Theresa May, vốn đã 3 lần thất bại trong nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp thông qua thỏa thuận mà bà đạt được với Brussels.

Bảo vệ lập trường Brexit cứng rắn, Thủ tướng Johnson một mặt cho biết tiến trình đàm phán với Brussels đang có tiến triển. Mặt khác cảnh báo các nghị sĩ sẽ trao lợi thế cho EU nếu Quốc hội Anh thông qua dự luật hoãn Brexit thêm 3 tháng. Ngay khi ông Johnson phát biểu, đảng Bảo thủ đã mất thế đa số tại hạ viện khi nghị sĩ Phillip Lee rời đảng này để sang đảng Tự do Dân chủ. Động thái trên khiến chính phủ của đảng Bảo thủ tiếp tục gặp khó nếu muốn thông qua các dự luật tại quốc hội. Do đó,  Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ sẽ chuẩn bị một cuộc bỏ phiếu về việc tổ chức bầu cử sớm, khả năng diễn ra vào ngày 14-10. Với hy vọng đảng Bảo thủ giành lại thế đa số, ông Johnson nhấn mạnh bầu cử sớm là “biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề”. Nhưng để sự kiện này diễn ra, Thủ tướng Anh phải có sự chấp thuận của 2/3 trong tổng số 650 nghị sĩ.

Theo giới phân tích, Anh ngày càng bị chia rẽ sau 3 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý rời EU. Trong đó, nỗi lo thảm họa “Brexit cứng” tiếp tục châm ngòi cuộc “nội chiến” ở hai đảng chính trị lớn tại nước này là Công đảng và Bảo thủ. Nhiều nghị sĩ kỳ cựu coi mối đe dọa đối với số phận thế hệ tương lai nước Anh nếu ra đi không thỏa thuận còn đáng lo ngại hơn so với bất ổn sự nghiệp chính trị khi họ quay lưng lại với đảng và chính phủ của mình.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Anh