16/02/2019 - 11:16

Ấn Độ với tham vọng ngành du lịch y tế tỉ đô 

Lâu nay, du khách đặt chân đến Ấn Độ là vì họ muốn tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực và cả thời tiết của nước này. Nhưng những năm gần đây, một yếu tố khác thu hút du khách đến quốc gia Nam Á, đó là chăm sóc sức khỏe.

Du khách y tế nước ngoài tại Ấn Độ. Ảnh: CNN

Theo số liệu thống kê của Bộ Du lịch Ấn Độ, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe nước này có thể tăng 200% vào năm 2020 và đạt doanh thu 9 tỉ USD, chiếm 20% thị phần toàn cầu. Trong nỗ lực mở rộng ngành du lịch y tế, Ấn Độ đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở tiên tiến, thu hút bác sĩ lành nghề, cung cấp gói điều trị chi phí thấp cũng như thúc đẩy các phương pháp trị liệu truyền thống như yoga hay Ayurveda - ngành y học cổ truyền của Ấn Độ vốn tập trung vào việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, khuyến khích lối sống lành mạnh. “Ấn Độ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế với chi phí thấp. Ấn Độ sở hữu nhiều cơ sở y tế hiện đại, chuyên gia chăm sóc sức khỏe có uy tín, các cơ sở điều dưỡng chất lượng cũng như nổi tiếng về các liệu pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống” - Bộ trưởng Du lịch KJ Alphons tự tin nói.

Năm 2015, Ấn Độ được xếp là điểm đến du lịch y tế phổ biến thứ ba thế giới khi ngành công nghiệp này thu về 3 tỉ USD. Năm đó, lượng du khách nước ngoài đến Ấn Độ để chăm sóc sức khỏe gần 234.000 người. Đến năm 2017, con số này tăng hơn gấp đôi, lên 495.056 người.

Trong năm 2017, khoảng 14-16 triệu bệnh nhân trên thế giới đã ra nước ngoài điều trị bệnh. Thị trường du lịch y tế toàn cầu hiện ước đạt từ 45,5 - 72 tỉ USD. Các điểm đến du lịch y tế hàng đầu khác gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Theo CNN, du khách y tế đến Ấn Độ chủ yếu là để điều trị ung thư, cấy ghép nội tạng và phẫu thuật tim. “Các bác sĩ Ấn Độ có tiếng về chuyên môn cao. Rất nhiều người trong số họ là người Ấn Độ được đào tạo ở nước ngoài. Không những vậy, các bệnh viện tư nhân lớn của Ấn Độ chẳng hạn Apollo lại là thương hiệu quốc tế lớn. Họ có mối quan hệ đối tác chiến lược với các thương hiệu ở những nước thu nhập cao như Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ)” - Johanna Hanefeld, Phó Giáo sư về chính sách y tế tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn (Anh), cho biết.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân Ấn Độ, du lịch y tế là một ngành kinh doanh sinh lợi. Năm ngoái, MaxCare, chuỗi các bệnh viện tư nhân tại Ấn Độ, đã điều trị tới 50.000 bệnh nhân nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ Trung Đông, Trung Á và châu Phi. 

Để thu hút du khách y tế, Ấn Độ hiện đang thúc đẩy các phương pháp trị liệu truyền thống như Ayurveda, yoga, Unani (liệu pháp chữa bệnh ở khu vực Trung Đông và Nam Á), Siddha (trường phái tu tập của người Ấn thông qua yoga) và vi lượng đồng căn (phương pháp y học điều trị bệnh nhân bị mắc một bệnh nào đó bằng cách sử dụng những chế phẩm từ thực vật, khoáng chất và động vật được pha loãng).

Đến nay, nhiều trung tâm hỗ trợ du lịch y tế đã được thiết lập cùng với các quầy riêng tại các sân bay lớn. Để quảng bá du lịch y tế, Bộ Thương mại Ấn Độ cùng với Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dịch vụ Ấn Độ (SEPC) đã tạo ra một nền tảng trực tuyến với 4 ngôn ngữ khác nhau, trong đó liệt kê các tổ chức chăm sóc sức khỏe hàng đầu trong nước với những thông tin toàn diện. Đặc biệt, chế độ visa điện tử được áp dụng mở rộng sang du lịch y tế, qua đó việc chờ đợi làm thủ tục được rút ngắn và thời gian lưu trú được kéo dài đến 6 tháng.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết