17/12/2009 - 21:39

Ấn Độ sẽ vẽ lại bản đồ hành chính?

Những người biểu tình phản đối bang mới Telangana ngăn không cho xe lửa hoạt động. Ảnh: AFP

Bản đồ hành chính của Ấn Độ có thể được vẽ lại khi ít nhất 16 khu vực đòi thành lập bang, sau sự kiện chính phủ quyết định tách vùng Telangana khỏi bang Andhra Pradesh thành lập bang mới hồi tuần rồi.

Với động thái bất ngờ hôm 9-12, chính quyền New Delhi đã nhượng bộ chính khách Chandrasekhara Rao sau 11 ngày ông này tuyệt thực đòi tách Telangana khỏi bang Andhra Pradesh rộng lớn với 77 triệu dân. Andhra Pradesh được thành lập năm 1956 khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ sáp nhập các khu vực duyên hải với vùng Telangana. Tuy nhiên, một thập niên sau, dân ở Telangana bắt đầu phản ứng, dẫn đến vụ bạo động năm 1969. Những người ủng hộ bang mới cho rằng khu vực Telangana ở phía Bắc Andhra Pradesh đã không được các nhà lãnh đạo xuất thân ở phía Nam quan tâm phát triển. 20 quan chức bang này đã từ chức, trong khi bạo lực bùng phát với 25 xe buýt và nhiều xe khác bị phá hoại.

Nếu như Trung Quốc, quốc gia láng giềng cũng có diện tích rộng và dân số đông, áp dụng hệ thống chính quyền trung ương để duy trì trật tự và thống nhất, Ấn Độ lại phụ thuộc vào cơ chế đàm phán và thỏa hiệp để trao quyền cho các bộ tộc. Cơ cấu hệ thống chính trị Ấn Độ được phát triển từ khi nước này độc lập năm 1947 là trao quyền hành cho các bang. Ban đầu, các nhà lãnh đạo sử dụng sự phân chia theo ngôn ngữ để phân bang, nhưng khi nước này phát triển, các bang mới dần được thành lập nhằm đáp ứng nhiều yêu cầu khác. Gần đây nhất là việc thành lập 3 bang mới vào năm 2000, nâng tổng số bang lên 28 và 7 vùng lãnh thổ do chính quyền liên bang kiểm soát.

Quyết định của chính quyền liên bang Ấn Độ đã thắp thêm hy vọng cho nhiều cộng đồng thiểu số khác, vốn đòi thành lập bang riêng từ thập niên 1950 tới nay. Ví như, các nhà hoạt động bộ tộc Gurkha đang kêu gọi thành lập bang Gorkhaland tách khỏi bang Tây Bengal. Còn Vidarbha cũng muốn tách khỏi bang Maharashtra vì cho rằng khu vực này bị bỏ quên khi chính quyền chỉ chú trọng phát triển các vùng duyên hải xung quanh Mumbai.

Các chính đảng ở Ấn Độ, trong đó có đảng Quốc đại cầm quyền, ủng hộ đề xuất chia tách các bang. Một số bang hiện có diện tích quá lớn nên khó khăn trong điều hành, và nhiều khu vực bị bỏ quên trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Các đơn vị hành chính nhỏ hơn sẽ có thể dễ quản lý hơn và phản ứng tốt hơn trước các yêu cầu của cử tri. Mayawati, Thủ hiến bang Uttar Pradesh có 180 triệu dân, hồi tuần rồi đã gởi thư cho Thủ tướng Manmohan Singh yêu cầu chia tách bang khổng lồ này thành 4 bang để tiện việc quản lý.

N. KIỆT
(Theo AP, Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết