10/03/2019 - 08:46

Ấn Độ nỗ lực “siết” nạn tin giả trên mạng xã hội 

Trước thềm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ, chính phủ nước này đã yêu cầu các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và WhatsApp đưa ra kế hoạch đối phó với vấn nạn tin giả.

Tin giả tràn lan trên mạng xã hội ở Ấn Độ. Ảnh: BBC

Tin giả tràn lan trên mạng xã hội ở Ấn Độ. Ảnh: BBC

Theo đó, Colin Crowell, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng bộ phận chính sách công toàn cầu của Twitter cùng với đại diện của Facebook, WhatsApp và Instagram mới đây đã tham dự một cuộc họp của ủy ban quốc hội ở New Delhi để trình bày cách các công ty truyền thông xã hội này xử lý tin giả trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia Nam Á. “Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và là một trong những thị trường khách hàng phát triển nhanh và lớn nhất của chúng tôi. Do đó, cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ năm 2019 sẽ là ưu tiên hàng đầu của Twitter” – ông Crowell viết trên trang blog cá nhân.

Theo tờ The National, Twitter được yêu cầu hợp tác với Ủy ban bầu cử Ấn Độ để giúp đảm bảo tính công bằng của các cuộc thăm dò. Đến nay, Twitter đã đưa ra một số biện pháp để giải quyết các vấn đề mà mạng xã hội này gặp phải ở Ấn Độ. Trước khi xuất hiện trước các nghị sĩ Ấn Độ, Twitter thông báo rằng vào ngày 11-3 tới sẽ mang dịch vụ minh bạch quảng cáo đến Ấn Độ, cho phép người dùng xem chi tiết các quảng cáo chính trị, gồm chi phí quảng cáo và đối tượng được nhắm mục tiêu trong chiến dịch quảng cáo. Theo ông Crowell, hiện Twitter cũng đang tiến hành các cuộc hội thảo với các đảng, gồm đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm hướng dẫn họ cách tương tác với công chúng thông qua Twitter.

Trong khi đó, Facebook hồi tháng rồi đã nâng cấp tính năng xác minh dữ kiện tại địa phương. Mạng xã hội này đồng thời cũng đã giới thiệu các quy tắc được cho là chặt chẽ hơn đối với quảng cáo chính trị ở Ấn Độ. Còn ứng dụng nhắn tin của Facebook WhatsApp cũng đã đưa ra những thay đổi và thực hiện các buổi tuyên truyền lưu động sau khi tin giả trên dịch vụ nhắn tin này gây căng thẳng xã hội cũng như tạo ra bạo lực.

Mới đây, Facebook đã được yêu cầu đưa ra cam kết rằng các nền tảng của mạng xã hội này không được dùng để kích động bạo lực hoặc cho phép các cường quốc nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tại Ấn Độ, cũng như chủ động giúp các cơ quan an ninh theo dõi bất kỳ hành động sai trái nào, chẳng hạn như các chiến dịch phối hợp nhằm gây ảnh hưởng hoặc đánh lừa cử tri. Ngoài ra, Facebook cũng phải đảm bảo sẽ không phân biệt đối xử đối với các trang Facebook chính trị và cần hợp tác chặt chẽ hơn với Ủy ban bầu cử Ấn Độ nhằm đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra một cách tự do và công bằng.

Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ cũng có cách riêng để đối phó nạn tin giả. Vào cuối năm ngoái, New Delhi đã đề xuất một bộ quy tắc dành cho các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó bắt buộc các trang mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp, gồm cả tài liệu ảnh hưởng đến “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ” trong vòng 24 giờ. Bộ quy tắc cũng quy định rằng các trang mạng xã hội có hơn 5 triệu người dùng phải thành lập văn phòng tại địa phương và chỉ định ra một người có thể phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật bất cứ lúc nào trong ngày.

Tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có 300 triệu người sử dụng Facebook, khoảng 200 triệu người dùng WhatsApp. Ấn Độ là thị trường lớn nhất của Facebook  và WhatsApp. Trong khi đó, có hơn 30 triệu người  Ấn Độ dùng Twitter. Doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội ở Ấn Độ dự kiến đạt 3,5 tỉ USD trong năm nay, tức tăng hơn 37% so với năm 2018, theo trang web thống kế số liệu Statista.

Nhiều nước đau đầu với tin tức giả

​Các quốc gia ở Đông Nam Á đang cố gắng chống lại tin giả thông qua các quy định và chiến dịch mới nhằm cải thiện kỹ năng truyền thông của công dân nước mình. Tại Singapore, một ủy ban quốc hội nước này hồi năm 2018 đã yêu cầu xử phạt hình sự đối với những người tung tin giả và các công ty công nghệ đăng tải tin giả. Tại Indonesia, chính phủ nước này đã tổ chức các cuộc họp giao ban hàng tuần về tin giả và đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ đối với những người tung tin giả. Campuchia cũng đã thông qua luật chống tin giả của riêng mình. Theo đó, bất kỳ ai đăng tin giả trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc trên website đều có thể bị phạt tới 2 năm tù và phạt tiền 1.000 USD... Theo The National, mạng xã hội đã trở thành nguồn tin chính ở châu Á và khu vực này đang dễ tổn thương trước sự lan truyền của tin tức giả. Như Myanmar và Sri Lanka cáo buộc chính tin tức giả trên mạng xã hội đã góp phần gây ra tình trạng bạo lực tôn giáo giữa người theo đạo Phật chiếm đa số và người Hồi giáo thiểu số.

TRÍ VĂN (Theo The National, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ấn Độtin giả