20/11/2011 - 10:44

Ai Cập trước "ngã ba đường"

Hàng chục ngàn người Ai Cập đã tập trung về quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo hôm 18-11, nhằm phản đối Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) nỗ lực kéo dài thời gian nắm quyền. Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở thành phố cảng Alexandria và các thành phố khác ở vùng đồng bằng sông Nile. Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với chính quyền quân sự lâm thời.

Mặc dù nhiều cuộc biểu tình chống các tướng lĩnh cầm quyền đã diễn ra ở Ai Cập vài tháng gần đây, nhưng cuộc tuần hành hôm 18-11 có quy mô rầm rộ nhất và phơi bày rõ nhất sự phản đối của người dân đối với SCAF. Nhiều khẩu hiệu từng được sử dụng trong cuộc biểu tình lật đổ ông Mubarak tái xuất hiện như: “Dân muốn sự ra đi của chỉ huy chiến trường (đề cập tới người đứng đầu SCAF - ông Niganed Gysseub Tabtawi). Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây cho đến khi ông ấy ra đi”. Ramy el-Swissy, thành viên phong trào Ngày 6-4, lực lượng quan trọng trong cuộc biểu tình, cho rằng: “Toàn bộ xã hội Ai Cập được đại diện ở đây với một yêu cầu: Quân đội hãy trở lại đồn bốt và trả lại đất nước cho chính quyền dân sự”.

Người biểu tình tại quảng trường Tahrir. Ảnh: AP 

SCAF nắm quyền Ai Cập từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ 9 tháng trước. Ban đầu, quân đội cam kết chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự vào tháng 9-2011, nhưng nay đã hoãn việc này dự kiến đến năm 2013 hoặc trễ hơn.

Biểu tình diễn ra khi chỉ còn 10 ngày nữa dân Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội mới. Đáng nói là cuộc biểu tình có sự tham gia của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và cả nhóm Hồi giáo cực đoan Salafi sau khi họ đứng ngoài nhiều cuộc tuần hành từ khi ông Mubarak bị lật đổ. Đây là lần đầu tiên các tổ chức Hồi giáo ở Ai Cập công khai thách thức vai trò cầm quyền của quân đội. Thực tế theo các nhà phân tích, “sự hòa hoãn mong manh” giữa quân đội và các tổ chức này đã đổ vỡ sau khi SCAF áp đặt loạt “nguyên tắc siêu hiến pháp” trong tiến trình soạn thảo hiến pháp mới vào năm tới. Các nhà phân tích cho rằng SCAF có ý định đảm nhận vai trò quyết định trên chính trường Ai Cập tương lai, tự nâng cao vai trò của quân đội lên trên chính quyền dân sự và áp đặt các quy định để bảo vệ quyền lợi thiểu số và cá nhân. Nhiều người biểu tình nói rằng dân Ai Cập không thể hy sinh hàng trăm người trong cuộc cách mạng (lật đổ Mubarak) để cho quân đội thực hiện ý đồ của họ.

Tình hình cho thấy một cuộc chiến mới đang hình thành giữa 2 thế lực chính trị quyền lực nhất Ai Cập: Quân đội và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Trong khi đó, nhiều người theo chủ nghĩa tự do vẫn lưỡng lự giữa sự lo lắng về chính quyền quân sự với việc tôn giáo lên nắm quyền. Họ xem hành động của SCAF là để ngăn cản các tổ chức Hồi giáo nắm quyền Ai Cập. Một trong số ít các nhóm tự do đáng chú ý hôm 18-11 là phong trào Ngày 6-4, chỉ kêu gọi “Ngày thứ sáu với một yêu cầu”, đó là quân đội phải sớm chuyển giao quyền lực.

N.MINH (Theo Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết