29/04/2010 - 21:10

35 năm vun đắp cho sự nghiệp "trồng người"

Sau 35 năm cùng với cả nước xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ đã không ngừng đổi mới, từng bước vươn lên, khẳng định vị thế của một thành phố trung tâm ĐBSCL. Theo từng nấc thang phát triển ấy, ngành giáo dục thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “trồng người” để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc đổi mới...

Trường Tiểu học Ngô Quyền, Q. Ninh Kiều là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia dạy và học đạt chất lượng tốt. 

Nhìn lại “bức tranh” của ngành giáo dục Cần Thơ trong những năm đầu đất nước độc lập thống nhất mới thấy hết được bước phát triển vượt bậc của sự nghiệp giáo dục.Ông Lê Văn B., nhà ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, tâm sự: “Lúc nhỏ, tôi mơ ước được làm bác sĩ nhưng không thực hiện được vì nhà nghèo, trường xa”. Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Trường Thành thường xuyên chịu những trận càn của địch, nên lo cho cuộc sống có đủ cái ăn ngày hai bữa còn chưa xong nói chi đến chuyện quan tâm việc học hành. Sau giải phóng, ban đầu chỉ có vài phòng học tre lá được cất tại xã, sau đó, phát triển dần lên, mở rộng ra các ấp. Từ một vài phòng tiểu học rồi phát triển lên THCS... Khó khăn thiếu thốn là vậy, thấy con em trong xã nô nức đi học ai cũng vui, lớp học cứ “nở nồi” thêm mãi... Theo những người lớn tuổi, những cán bộ giáo dục đã từng công tác sau ngày giải phóng thì khó có thể nói hết sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp lúc bấy giờ. Ở các vùng sâu, vùng ven chỉ có một vài phòng học tiểu học tại trung tâm xã, thị trấn, hiếm hoi mới có một trường THCS. Nhiều nơi, khoảng cách giữa các trường tiểu học, THCS cách nhau hàng chục cây số. Đường sá đi lại thì khó khăn do sình lầy. Nhiều vùng quê không có đường phải đi bằng ghe, xuồng... Ông B., nhớ lại: “Mấy đứa tôi cứ bị chìm xuồng hoài, mỗi lần bị chìm xuồng là phải nghỉ học. Có đứa phải nghỉ học luôn vì tập vở ướt hết không có tiền mua lại. Vậy mà tôi cũng gắng học đến lớp 9. Lên lớp 10, nhà quá xa trường, tôi không có tiền trọ học nên đành nghỉ”.

Giờ đây, mạng lưới trường lớp ở TP Cần Thơ được mở rộng đảm bảo học sinh ở tất cả các cấp học, bậc học đều có chỗ học đàng hoàng. Điểm trường tiểu học tre lá ngày xưa tại trung tâm xã Trường thành, huyện Thới Lai, giờ đã trở thành một trường tiểu học, khang trang, đẹp đẽ, đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới trường lớp của toàn xã Trường Thành cũng được qui hoạch lại với đầy đủ các cấp học từ mầm non đến THCS... Chẳng những vậy, ngành giáo dục thành phố kết hợp cùng huyện Thới Lai đang hướng đến sự mở rộng trường lớp ở bậc THPT. Ông Nguyễn Văn Hai, nhà ở xã Trường Xuân A, nói: “Trước đây, mấy đứa con tôi học hết lớp 9 phải nghỉ học vì muốn học lên nữa phải ra thị trấn Thới Lai, mỗi ngày đi về gần 30 cây số. Giờ đến các cháu tôi muốn học tiếp thì đã có trường mới ở ngay xã”. Trường THCS Trường Xuân B được đưa vào sử dụng năm học 2009-2010 và là phân hiệu của Trường THPT Thới lai. Vì vậy, học sinh lớp 10 sẽ học tại xã mà không phải ra tận Thới Lai như trước đây. Ngành giáo dục TP Cần Thơ cũng có kế hoạch nâng cấp Trường THCS Trường Xuân B lên thành trường cấp 2-3, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cụm xã Trường Xuân- Trường Xuân A- Trường Xuân B...

Những ngày qua, hòa trong không khí cả nước chuẩn bị đón chào những ngày lễ lớn, ngành giáo dục huyện Phong Điền đã hân hoan tổ chức lễ công nhận Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung, Tiểu học Nhơn Ái đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung nằm cạnh tuyến đường vòng cung lịch sử là một ngôi trường đẹp, kiên cố. Ông Nguyễn Văn Hoàng, phụ huynh học sinh của trường, phấn khởi: “Trường không chỉ đẹp mà còn có đầy đủ các trang thiết bị để các cháu học hành, không thua gì ở thành phố”. Được sự quan tâm của thành phố và Huyện ủy, UBND huyện, những năm qua huyện Phong Điền đã được đầu tư, xây dựng mới hơn 350 phòng học. Toàn huyện hiện có 6 trường đạt chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Thanh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, nói: “So với trước đây, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Phong Điền được mở rộng và phủ kín địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Trang thiết bị cũng được đầu tư mới, phục vụ tốt cho dạy và học”.

 Học sinh Trường THCS phường Trường Lạc, quận Ô Môn trong giờ chơi - Trường THCS phường Trường Lạc là trường đạt chuẩn quốc gia.  

Trong tháng Tư này, quận Ninh Kiều cũng đã tổ chức khánh thành Trường Tiểu học Nguyễn Du và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi. Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi hiện nay được xây dựng trước giải phóng đã xuống cấp trầm trọng, nay được thay thế bằng một ngôi trường có kiến trúc đẹp và đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Có thể nói, quận Ninh Kiều là đơn vị có những thay đổi ấn tượng nhất về mặt cơ sở vật chất trường lớp tại TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục quận Ninh Kiều cũng đã tham mưu cùng quận, thành phố để xây dựng thêm những ngôi trường mới, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong địa bàn, như: Trường Mầm non Hoa Cúc, Trường Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Võ Trường Toản...

Sau 35 năm, mạng lưới trường lớp toàn thành phố đã thay đổi hoàn toàn theo hướng mở rộng và ngày càng hiện đại hóa. Từ chỗ chỉ có một vài trường học tập trung ở trung tâm trị trấn, thành phố thì nay đã có hơn 382 trường học dành cho bậc học mầm non và phổ thông, trong đó có 47 trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, ngành giáo dục TP Cần Thơ còn tập trung đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, toàn thành phố có hơn 12.000 giáo viên mầm non và phổ thông. Ngoài một số giáo viên lớn tuổi, không còn đủ thời gian học tập nâng cao trình độ, còn lại hầu hết giáo viên đều đạt và vượt chuẩn, nhiều người đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ. Nhờ thay đổi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Từ đó làm nền tảng nâng cao trình độ dân trí toàn thành phố. Ông Trần Trọng Khiếm, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần thơ đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập THCS, xóa mù chữ đạt trên 99,8% đối tượng trong độ tuổi và đang trong quá trình phổ cập giáo dục trung học”.

Qua 35 năm, với những cố gắng vừa xây dựng vừa hoàn thiện, ngành giáo dục thành phố đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Những thành quả đã đạt được hôm nay sẽ là nguồn lực để ngành giáo dục TP Cần Thơ càng vững tin hơn để tiếp tục vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” của mình.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết