03/06/2021 - 04:53

“Vành đai, Con đường” gặp khó ở châu Phi 

Hàng chục dự án do Trung Quốc hậu thuẫn ở châu Phi trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” đầy tham vọng đang vấp phải phản ứng dữ đội từ các nhà hoạt động môi trường địa phương. Họ cáo buộc các nhà phát triển dự án phá hủy hệ sinh thái để thu về các mặt hàng như dầu mỏ, kim loại và gỗ.

Rủi ro cho môi trường

Tổng thống Zambia Edgar Chagwa Lungu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi năm 2018 tại Bắc Kinh. Ảnh: AP

Tổng thống Zambia Edgar Chagwa Lungu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi năm 2018 tại Bắc Kinh. Ảnh: AP

Uganda và Tanzania cách đây không lâu đã thông qua dự án xây dựng đường ống dẫn dầu giữa 2 nước do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc làm chủ đầu tư, ngay cả khi các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng phản đối dự án. Đường ống dài 1.445km này khi hoàn thành sẽ giúp vận chuyển dầu thô từ Uganda đến Tanzania. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng có trụ sở tại Hong Kong, các tổ chức phi chính phủ cho rằng cả địa điểm khai thác và đường ống dẫn dầu đều gây ra rủi ro về môi trường và xã hội đối với động vật hoang dã, nguồn nước và các cộng đồng trên khắp Uganda và Tanzania, thậm chí tác động xấu đến hệ sinh thái ở lục địa đen.

Tại Guinea, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư khai thác mỏ quặng sắt cao cấp khổng lồ ở vùng núi Simandou nhằm giúp Bắc Kinh giảm bớt sự phụ thuộc vào quặng sắt nhập khẩu từ Úc trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra leo thang. Giới phê bình cho rằng động thái này của Trung Quốc có thể sẽ phá hủy sinh kế của người dân tại khu vực.

Còn tại Ghana, thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác bô-xít trị giá 2 tỉ USD với Công ty nhà nước Trung Quốc Sinohydro đã làm dấy lên phẫn nộ, bởi nó được cho đe dọa môi trường và người dân.

Elizabeth Losos, thành viên cấp cao tại Viện Nicholas thuộc Đại học Duke (Mỹ), xác nhận rằng một số dự án do Trung Quốc tài trợ ở châu Phi đã gây ra thiệt hại to lớn đối với cộng đồng và môi trường. Theo bà Losos, thỏa thuận giữa Ghana và Sinohydro đã được thống nhất mà không tiến hành đánh giá toàn diện để xem lượng bô-xít có thể được khai thác là bao nhiêu mà không gây ô nhiễm nguồn nước, từ đó gây tổn hại đến sinh kế của nông dân hoặc đe dọa các kho báu tự nhiên.

Do áp lực từ các nhà hoạt động môi trường, một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn ở châu Phi đã bị chặn đứng. Một tòa án ở Kenya hồi năm 2019 đã lệnh dừng dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than trị giá 2 tỉ USD ở đảo Lamu, sau khi các nhà hoạt động cho rằng nó gây nguy hiểm đối với một di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận. Trong khi đó, Chính phủ Tanzania cũng từng phản đối yêu cầu bàn giao toàn bộ cảng Bagamoyo cho Trung Quốc, sau khi rút kinh nghiệm từ vụ Sri Lanka phải giao cho Bắc Kinh quản lý cảng Hambantota trong vòng 99 năm để trừ nợ.

Lợi bất cập hại về kinh tế

Được biết, hơn một nửa trong số hơn 60 quốc gia tham gia BRI nằm ở châu Phi. Việc Trung Quốc tài trợ cho các dự án thuộc BRI trên khắp châu Phi chủ yếu bao gồm các khoản vay dành cho các chính phủ với số vốn rất lớn và kèm theo điều kiện các bên không được tiết lộ toàn bộ các điều khoản vay, gây quan ngại sâu sắc, khiến nhiều nước rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Hiện tại, các quốc gia châu Phi nợ Trung Quốc nhiều nhất là Angola (25 tỉ USD), Ethiopia (13,5 tỉ USD), Zambia (7,4 tỉ USD), Cộng hòa Congo (7,3 tỉ USD) và Sudan (6,4 tỉ).

Vì thế, sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc được đánh giá là lợi bất cập hại. Theo The Africa Report, ngày càng đông người dân châu Phi phẫn nộ cho rằng các dự án của Trung Quốc chỉ phục vụ cho lợi ích của giới lãnh đạo chính trị ở lục địa này. Theo họ, BRI làm trầm trọng thêm sự phân tầng chính trị và xã hội.

Thực trạng còn xấu hơn nữa khi sự hiện diện của Trung Quốc khiến giới lãnh đạo các nước châu Phi từ bỏ các hợp đồng đã có từ trước với các nhà đầu tư nước ngoài khác để hướng về Bắc Kinh. Djibouti là một ví dụ điển hình. Nước này đã đơn phương nhượng quyền khai thác cảng container Doraleh trong vòng 30 năm đã ký hồi năm 2006 với DP World (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho công ty xây dựng cảng Trung Quốc China Merchants Group. Djibouti là nơi Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên và duy nhất ở hải ngoại vào năm 2017.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết