11/12/2015 - 21:21

“Sự mập mờ nguy hiểm” của Trung Quốc ở Biển Đông

Đó là tiêu đề bài viết đăng trên tờ New York Times của Giáo sư Liselotte Odgaard thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch hôm 10-12, lý giải vì sao hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là nhân tố làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Theo Giáo sư Odgaard, ngôn ngữ mang tính chất mơ hồ thường là "vũ khí" được giới cầm quyền Bắc Kinh vận dụng nhằm đáp trả chỉ trích về hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã hỏi vặn lại rằng: "Quân sự hóa nghĩa là gì?" để trả lời cho những câu hỏi tố cáo hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến căng thẳng khu vực leo thang. Vị này còn "lái" vấn đề sang hướng khác khi chất vấn ngược lại rằng tại sao chỉ Trung Quốc bị chỉ trích trong khi Mỹ mới là cường quốc quân sự chiếm ưu thế trên các vùng biển châu Á, kể cả khi Washington tiếp tục hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực - bao gồm các bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ảnh: IHS Jane’s Defence Weekly

 

Giáo sư Odgaard cho rằng câu hỏi của giới chức Trung Quốc hợp lý trên khía cạnh nào đó, nhưng vấn đề là Bắc Kinh thay vì có câu trả lời thỏa đáng thì lại tiếp tục vòng vo về tranh chấp Biển Đông. Theo bà, việc Trung Quốc cố tình né tránh làm rõ tuyên bố chủ quyền phi lý áp đặt ở Biển Đông cũng như khẳng định sẽ bảo vệ những yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực là 2 khía cạnh quan trọng trong "chiến lược hung hăng" của Bắc Kinh. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Phức tạp hơn, theo Giáo sư Odgaard, Trung Quốc cũng tránh các trường hợp làm rõ bản chất pháp lý của tranh chấp ở Biển Đông. Một trong số đó là sự mơ hồ trong xác định tính năng của những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Giáo sư Odgaard cho rằng việc làm rõ là hết sức quan trọng bởi chỉ có đặc điểm địa lý mới hỗ trợ thẩm quyền các quốc gia ven biển được hưởng ngoài vùng an toàn 500m của các thực thể. Trong trường hợp Mỹ triển khai tàu USS Lassen vào phạm vi 12 hải lý quanh Đá Subi mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Trường Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc ấy không cáo buộc Washington vi phạm "lãnh hải" hay "vùng đặc quyền kinh tế". Thay vào đó, Bắc Kinh khẳng định động thái của Mỹ là "bất hợp pháp, đe dọa chủ quyền và an ninh lợi ích của Trung Quốc" mặc dù không đưa ra lập luận chính xác nào về "tuyên bố chủ quyền" đối với vùng biển mà Bắc Kinh cáo buộc tàu Mỹ vi phạm.

Đặc biệt, Trung Quốc còn cố ý làm cho "chiến lược mơ hồ" trở nên nguy hiểm khi tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ yêu sách lãnh thổ phi lý ở Biển Đông. Cụ thể trong Sách trắng quốc phòng 2015, Trung Quốc nêu rõ mục tiêu quân sự của nước này là bảo vệ "chủ quyền và lợi ích hàng hải" trong tình huống các quốc gia láng giềng "có những hành động khiêu khích, tăng cường hiện diện quân sự trên các rạn san hô và bãi đá ngầm ở Trường Sa" vốn bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Nhìn vào "chính sách mơ hồ" của Trung Quốc, Giáo sư Odgaard cho rằng Bắc Kinh muốn mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông như một thách thức trực tiếp nhằm vào hệ thống đồng minh của Mỹ; vì như vậy sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp quyền tự do đi lại của tàu và máy bay quân sự trong khu vực. Theo Giáo sư Odgaard, cộng đồng quốc tế nói chung và Washington nói riêng cần phải thể hiện rõ lập trường rằng vùng biển quốc tế không thể để Trung Quốc biến thành "ao nhà" cũng như áp đặt hạn chế lên các quốc gia khác.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết