31/07/2008 - 19:39

“Lá chắn” bạo lực gia đình

Trong công cuộc phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Thực tế cho thấy, sự lên tiếng, phản ứng đúng lúc của chị em khi bị chồng bạo hành đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế những hành vi sai trái của chồng. Không ít chị đã học được cách tự bảo vệ để từng bước làm chủ cuộc đời mình. BLGĐ có hay không và tồn tại dưới mức độ nào, phụ thuộc rất nhiều vào tấm “lá chắn” ở chính bản thân người phụ nữ.

Khi nạn nhân lên tiếng

Nhìn cuộc sống hạnh phúc của chị M. ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều bây giờ, ít ai biết được chị đã trải qua bao trăm cay ngàn đắng. Ngày trước, thấy anh Q., chồng chị, nóng tính, nhậu vào hay quậy nên gia đình chị không cho lấy. Chị đã vượt qua rào cản đến sống với anh. Những tưởng tình yêu sẽ làm hạnh phúc tràn đầy, nhưng hễ có rượu vào là anh Q. lôi vợ ra đánh. Rồi anh Q. vướng vào một vụ làm ăn phi pháp, đi tù. Không tiền, chị M. phải đi làm thuê để nuôi chồng, con. 5 năm sau, anh Q. ra tù cũng là dịp giá đất lên, vợ chồng chị M. bán bớt phần đất mẹ chị M. cho lúc trước để làm ăn. Có tiền trong tay, anh Q. hùn vốn với bạn bè đi làm xa và bắt đầu bồ bịch, về nhà hạch sách, bắt vợ ly dị. Chị tìm đến nhà tình địch đánh ghen. Mất mặt, anh Q. càng bạo hành vợ nhiều hơn. Không thể chịu đựng được nữa, chị M. tìm các chị làm ở tổ phụ nữ kể sự tình, nhờ can thiệp. Các chị trong ban chấp hành tổ phụ nữ trong khu vực chia nhau khuyên giải cả hai bên vợ chồng. Sau nhiều lần nghe phân tích thiệt hơn, hai người mới thấm thía cái sai của mình, cùng hứa sẽ cố gắng sửa đổi. Chị M. quan tâm đến chồng hơn, bỏ tính tra hỏi, lục lọi đồ đạc cá nhân của chồng, nói chuyện nhẹ nhàng. Anh Q. cũng thường về nhà. Chị M. còn dạy hai con gắn bó, chăm sóc cha mình... Sau gần một năm, anh Q. đã cắt đứt được với người kia, mỗi lần đi làm xa dẫn vợ theo.

Bây giờ, chị M. đã là phụ tá đắc lực của chồng trong việc kinh doanh. Nhắc lại chuyện xưa, chị M. tâm sự: “Nếu lúc đó không nói ra cho mọi người cùng chia sẻ, tôi không biết mình quẫn tới mức nào. Cũng nhờ mọi người giúp đỡ và ảnh biết hồi tâm, tôi mới có cơ hội hàn gắn. Tôi nghĩ, khi đụng chuyện, chị em không nên nín nhịn chịu đựng mà phải tìm cách đấu tranh để cứu mình”.

Ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, cách đây không lâu, xảy ra một vụ chồng hành hung vợ bị bắt đi học tập cải tạo khá hy hữu. Nhà nghèo, người chồng không lo làm ăn, sa đà nhậu nhẹt. Có rượu vào người chồng tìm đủ cớ đánh vợ, mỗi lần vợ bày đồ ra bán thì lại chửi bới, gây sự rồi co chân đạp bể hết. Buổi tối, người chồng còn trở chứng, không cho vợ ngủ trong nhà, đuổi ra sân. Khổ quá, chị vợ đến cầu cứu các ban ngành, đoàn thể trong phường. Công an khu vực đã đến làm việc mấy lần nhưng người chồng không sửa. Đến lần thứ ba, hội phụ nữ đề nghị đưa người chồng đi giáo dục. Sau 2 năm cải tạo, giờ về nhà, người chồng đã bỏ rượu, chịu đi làm, phụ vợ nuôi con.

Bà Lưu Soái Huê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Lê Bình, quận Cái Răng, cho biết: “Những vụ như vợ bị chồng ngược đãi, cha mẹ đánh đập con cái quá đáng, ngược đãi con... chúng tôi đều quan tâm và đến tận nhà tìm hiểu, giải quyết. Vụ nào rắc rối quá thì nhờ người thân cùng phối hợp hòa giải, tác động nhiều chiều. Chúng tôi kiên quyết bài trừ tư tưởng đa thê, chồng chúa vợ tôi, khuyến khích chị em mạnh dạn nói ra sự thật nếu chồng hành hung, đối xử không tốt”.

Sau nhiều lần khuyên nhủ chồng không được, chị V., một giáo viên ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, đã đứng đơn xin ly hôn người chồng tệ bạc. Lấy nhau gần 20 năm, chị không quản vất vả cùng chồng gầy dựng sự nghiệp. Khi cơ ngơi vững vàng, chồng bắt đầu có vợ bé. Chị làm dữ, chồng hứa hẹn rồi tái phạm. Không đánh vợ, nhưng những lời chì chiết, nhục mạ của chồng làm chị đau như dao cứa. Dù tòa cố gắng hòa giải nhưng chị kiên quyết ly hôn vì biết chắc chồng không thể sửa đổi. Gặp chị ở Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều vào đầu tháng 4 - 2008, sau phiên tòa xử ly hôn, chị như trút được gánh nặng. Chị nói: “Vì danh dự gia đình, họ hàng hai bên, tôi nín nhịn chịu đựng. Không ngờ sự mềm yếu của mình là cái cớ để chồng làm tới. Sự hy sinh của tôi đã đặt không đúng chỗ. Nếu không thay đổi, tôi sẽ còn tiếp tục khổ. Thà đau một lần, còn hơn chịu bị hành hạ suốt đời”.


Phải biết cách phòng ngừa

Bà Lưu Soái Huê, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Bình, quận Cái Răng, nhận định: “Vấn nạn BLGĐ từ lâu đã đè nặng lên cuộc đời người phụ nữ. Đâu phải ai cũng có can đảm đứng ra tố cáo chồng. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc tìm chứng cứ để buộc tội các ông. Trong cuộc chiến này, vai trò của người vợ là quan trọng nhất. Các chị phải tự mình đấu tranh, ngăn chặn bạo lực trong chính gia đình mình, đoàn thể chỉ hỗ trợ chứ không thay các chị quyết định. Chị em đừng làm thấp kém mình bằng tâm lý sợ, an phận. Hãy làm chủ cuộc đời mình để chồng không có điều kiện bạo hành”.

Bảo vệ mình bằng cách nào là điều nhiều chị em trăn trở vì mỗi nhà mỗi cảnh, không ai giống ai. Chị Dương Thị Phương Lan, Chi hội Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, người đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ xung đột gia đình trong khu vực, chia sẻ: “Đa phần đơn thư tôi tiếp nhận đều liên quan đến BLGĐ, về tinh thần lẫn thể xác. Tôi nghĩ, khi đụng chuyện, chị em phải hết sức bình tĩnh, đừng đổ dầu vào lửa đang cháy. Hung dữ hay nhu nhược quá cũng không tốt. Vợ chồng phải tin tưởng nhau, khi nói điều gì phải có cơ sở. Chị em phải tự sửa mình trước rồi hãy tác động tới chồng, thấy chồng có dấu hiệu bạo hành phải tìm cách ngăn chặn ngay từ đầu, nhờ đoàn thể hỗ trợ. Lạt mềm buộc chặt, mưa dầm thấm lâu là điều không bao giờ cũ. Trong những lúc dầu sôi lửa bỏng, tình nghĩa và trách nhiệm với con cái luôn là chất keo hữu hiệu kéo cha mẹ lại với nhau”.

Bà Lê Thị Bé Ba, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: “Công tác tuyên truyền về Luật bình đẳng giới chưa đi sâu vào dân nên nhiều chị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí của mình. Dù Luật phòng chống bạo hành gia đình ra đời nhưng để áp dụng đưa vào thực tế, không đơn giản. Chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người đều biết BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng. Trong việc phòng chống BLGĐ, phòng ngừa là quan trọng nhất. Các chị phải khéo léo khơi gợi ý thức trách nhiệm của chồng, cùng nhau gầy dựng mái ấm. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể trong khu vực, đặc biệt là công an và phụ nữ phải phối hợp chặt chẽ với chị em để kịp thời phát hiện và can thiệp khi chị em bị chồng bạo hành. Đối với các bạn trẻ, chúng ta cần phải giáo dục thật tốt kiến thức về hôn nhân gia đình để tiến tới xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, không bạo lực”.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết