02/12/2022 - 08:27

“Cơ hội vàng” cho Ấn Ðộ 

NGỌC THÚY (TTXVN)

Kể từ ngày 1-12-2022, Ấn Ðộ trở thành Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023. Lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò này, Ấn Ðộ được kỳ vọng sẽ có nhiệm kỳ thành công, căn cứ vào những bước chuẩn bị kỹ lưỡng của New Delhi để dẫn dắt các chương trình nghị sự quan trọng và đưa ra các giải pháp cho những thách thức cấp bách của thế giới.

Thủ tướng Ấn Ðộ Modi nhận chiếc búa biểu tượng cho vai trò chủ tịch G20 từ Tổng thống Indonesia.

Sau khi nhận chiếc búa biểu tượng cho vai trò chủ tịch G20 từ Indonesia, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tuyên bố: “Tôi muốn bảo đảm rằng nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Ðộ sẽ bao trùm, tham vọng, quyết đoán và hướng vào các hành động cụ thể”. Ông khẳng định đây là niềm tự hào của người dân Ấn Ðộ, đồng thời cam kết đưa G20 trở thành “chất xúc tác” cho sự thay đổi toàn cầu.

Bước chuyển giao này diễn ra vào một thời điểm khá thuận lợi đối với New Delhi. Tháng 9-2022, Ấn Ðộ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới; được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mô tả là một “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Với chủ đề “Một Trái đất, một gia đình, một tương lai” cho năm chủ tịch G20, Ấn Ðộ muốn khẳng định nỗ lực tăng cường sự kết nối toàn cầu, xây dựng dựa trên giá trị của sự kết nối này và tìm ra giải pháp sáng tạo nhằm đối phó với mọi thách thức. Bên cạnh đó, Ấn Ðộ đã xác định một số ưu tiên cho vai trò chủ tịch G20 năm 2023: tăng trưởng toàn diện, công bằng và bền vững; LiFE (Lối sống vì môi trường); trao quyền cho phụ nữ; cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số; tài trợ khí hậu; kinh tế tuần hoàn; an ninh lương thực toàn cầu; an ninh năng lượng; hydro xanh; giảm thiểu rủi ro thiên tai; hợp tác phát triển; đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế; cải cách đa phương…

Ðể chuẩn bị cho các chương trình nghị sự ưu tiên, Ấn Ðộ đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động trong nước và quốc tế. Trong nước, chính quyền Thủ tướng Modi đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế và xã hội, đặc biệt là chuyển đổi mô hình theo hướng phát triển xanh và số hóa. Về mặt đối ngoại, chính quyền Modi đã điều chỉnh chính sách ngoại giao, đặt trọng điểm vào lợi ích chung toàn cầu. Nổi bật nhất là trong thời kỳ đại dịch, Ấn Ðộ không chỉ cung cấp hơn 2 tỉ liều vaccine cho người dân trong nước mà còn bào chế 2 trong số 5 loại vaccine được phân phối trên toàn cầu. Theo chương trình Vaccine Maitri, Ấn Ðộ đã cung cấp vaccine chống COVID-19 cho 94 quốc gia. Trong nỗ lực vì khí hậu, Thủ tướng Modi đã phát động phong trào LiFE (Lối sống vì môi trường) ở Ấn Ðộ. Ðây là lời kêu gọi rõ ràng cho hành động tập thể và cá nhân để chống biến đổi khí hậu ở mọi cấp độ và biến việc áp dụng lối sống bền vững trở thành một phong trào quần chúng. Tháng 10-2022, Ấn Ðộ và Liên Hiệp Quốc đã khởi động Sứ mệnh Cuộc sống, được đặc trưng bởi chiến lược ba hướng để tập hợp hành động khí hậu. Chủ tịch G20 năm 2023 được kỳ vọng sẽ ủng hộ nỗ lực của các quốc gia đang phát triển trong việc đối phó với khủng hoảng khí hậu.

G20 đại diện cho tiếng nói của gần 4,6 tỉ công dân trên thế giới, của cả các nước đang phát triển và phát triển, là diễn đàn quan trọng về mặt thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu. Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc theo đuổi sự đồng thuận toàn cầu sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với Ấn Ðộ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc trong G20 và cuộc khủng hoảng tín nhiệm mà các thể chế đa phương đang phải đối mặt. Về mặt này, Giáo sư Harsh V.Pant tại Học viện Ấn Ðộ thuộc Ðại học Hoàng gia Luân Ðôn, nhận định là một trong số ít nước có thể quan hệ với tất cả các bên, Ấn Ðộ có khả năng kết nối những bên có quan điểm trái chiều. Ðây là một trong những lý do khiến ảnh hưởng của New Delhi ngày càng tăng trong G20.

Với việc nhấn mạnh học thuyết về quyền tự chủ chiến lược trong cách tiếp cận ngoại giao, theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích hơn là liên kết với bất kỳ cường quốc nào, Ấn Ðộ sẽ dễ dàng tập hợp các nhà lãnh đạo G20 tại một hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi vào năm tới. Ðiều này tạo tiền đề cho Ấn Ðộ đóng vai trò là cầu nối giữa các bên thông qua ngoại giao và đối thoại.

Chia sẻ bài viết