22/07/2010 - 09:28

Trung Quốc trước vấn đề sử dụng năng lượng

Trung Quốc mở rộng hệ thống điện quốc gia.
Ảnh: Reuters

Như tin đã đưa, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp) ngày 19-7 đã công bố một báo cáo cho biết năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới, “danh hiệu” mà Mỹ đã nắm giữ từ đầu những năm 1900 đến nay. Cụ thể, theo IEA, tổng năng lượng tiêu thụ (gồm tất cả các loại năng lượng tiêu thụ như dầu, khí đốt thiên nhiên, than đá, hạt nhân, thủy điện...) của Trung Quốc trong năm qua tương đương 2,252 tỉ tấn dầu mỏ, cao hơn 4% so với 2,170 tỉ tấn dầu mỏ của Mỹ, nước có mức tiêu thụ năng lượng cao hơn Trung Quốc gấp hai lần cách đây 10 năm.

Số liệu trên có lẽ không có gì quá bất ngờ, vì tỷ lệ tiêu thụ năng lượng hàng năm của Trung Quốc sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 luôn tăng ở mức hai con số, nhất là từ lúc nước này vượt qua Mỹ trở thành quốc gia tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính số một thế giới năm 2007. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà quản lý năng lượng của Trung Quốc cho rằng số liệu của IEA là thiếu chính xác, do cơ quan này sử dụng tiêu chí đánh giá khác so với các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Chẳng hạn, số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia của Trung Quốc hồi tháng 2-2010 cho biết tổng năng lượng tiêu thụ của nước này hồi năm ngoái tương đương 3,066 tỉ tấn than tiêu chuẩn, tức chỉ khoảng 2,146 tỉ tấn dầu mỏ, thấp hơn 1% so với Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ hồi tháng 4 vừa qua cũng đã dự đoán Trung Quốc chưa thể qua mặt Mỹ về mức tiêu thụ năng lượng từ nay cho đến ít nhất vào năm 2015.

Thế nhưng, ngay cả số liệu của Trung Quốc cũng cho thấy thời điểm nước này vượt qua Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất hành tinh đang đến rất gần. Có điều, xét trong bối cảnh năm 2009, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong khi nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái nghiêm trọng nên mức tiêu thụ năng lượng giảm mạnh. Do vậy, theo các nhà phân tích, chính quyền Bắc Kinh đang phải dè dặt đón nhận thông tin “nhạy cảm” của IEA vào thời điểm hiện tại. Bởi cái “danh hiệu” này nói lên rằng nền kinh tế dựa vào ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc sử dụng năng lượng rất thiếu hiệu quả. Nếu so sánh giá trị GDP thì chỉ số này của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 của Mỹ, tức 5.000 tỉ USD so với hơn 14.000 tỉ USD. Hiệu quả sử dụng năng lượng tính trên đơn vị GDP của Trung Quốc năm 2003 thấp hơn 11,5 lần so với Nhật Bản, 4,3 lần so với Mỹ và gần 4 lần so với trung bình của thế giới. Hiện nay, theo IEA, Mỹ đã cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng thêm 2,5%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ có 1,7%/năm.

Báo cáo của IEA cũng sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc trong tiến trình đàm phán cắt giảm khí thải để chống biển đổi khí hậu toàn cầu. Khoảng 70% năng lượng tiêu thụ của nước này được sử dụng từ than đá, một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Tỷ lệ sử dụng than đá ở Mỹ chưa đầy 1/4 so với Trung Quốc. Ngược lại, mức tiêu thụ dầu mỏ ở Trung Quốc chưa tới 1/5 so với ở Mỹ, nước xài loại nhiên liệu hóa thạch này chiếm gần 50% trên tổng năng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, người Trung Quốc đang có nhu cầu dầu mỏ ngày càng lớn vì lượng xe hơi được tiêu thụ mạnh với đà cải thiện thu nhập. Số liệu của IEA đồng thời khiến Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm nguồn cung ứng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Các nước phát triển sẽ nhìn Trung Quốc như là một mối đe dọa về an ninh năng lượng, vì thế việc ký hợp đồng năng lượng sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn.

Như báo cáo của IEA, Trung Quốc sẽ cần khoảng tiền lên đến 4.000 tỉ USD để đầu tư cho các loại năng lượng trong vòng 20 năm tới nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh thiếu hụt nhiên liệu. Trong số này, Trung Quốc cần xây dựng một thế hệ nhà máy sản xuất điện mới đạt công suất khoảng 1.000 GW, tương đương với tổng số lượng điện hiện nay mà Mỹ đã phát triển từ nhiều thập niên qua.

PHÚC NGUYÊN (Theo WSJ, AP, Globaltimes)

Trung Quốc mở rộng hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết