06/07/2013 - 21:39

Trung Quốc đang hưởng lợi từ sự bùng nổ dầu mỏ ở Iraq

   Một nhà máy lọc dầu do Trung Quốc đổ vốn đầu tư ở thành phố Basra, Đông Nam Iraq. Ảnh: NYTimes 

Kể từ sau khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Iraq năm 2003, Iraq đã tìm lại được vị thế của một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, trong khi Trung Quốc được ví là khách hàng tiêu thụ dầu lớn nhất của quốc gia Vùng Vịnh này.

Bắc Kinh hiện mua gần một nửa lượng dầu Baghdad sản xuất, tức khoảng 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, đang nhắm đến lượng dầu lớn hơn đồng thời cũng đang đấu thầu cùng với công ty Exxon Mobil tại một trong những khu vực giàu dầu mỏ nhất Iraq.

"Người Trung Quốc đang là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong thời bùng nổ dầu mỏ, hậu Sadam Hussein ở Iraq. Họ cần năng lượng và muốn thâm nhập thị trường này"- Denise Natali, chuyên gia về khu vực Trung Đông thuộc Đại học Quốc phòng của Mỹ, nhận định.

Theo Thời báo New York, trước khi chiến tranh Iraq nổ ra, ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này khá èo uột, phần lớn do bị ngăn cách với thị trường quốc tế bởi lệnh cấm vận chống lại Chính phủ Saddam Hussein. Vì vậy, việc lật đổ ông Saddam đã mở ra con đường đến với trữ lượng dầu mỏ dồi dào trên đất Iraq.

Các công ty của Trung Quốc đã nhanh tay chớp lấy cơ hội, mỗi năm rót hơn 2 tỉ USD cùng lượng nhân công của họ vào Iraq. Các chuyên gia năng lượng quốc tế cho rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty dầu mỏ phương Tây hợp tác với Iraq. Đặc biệt, người Trung Quốc thể hiện thiện chí hợp tác theo luật lệ của chính phủ mới tại Iraq đồng thời chấp nhận giảm lợi nhuận để giành lấy các hợp đồng. Những gì người Trung Quốc né tránh chính là việc than phiền.

Không như các công ty phương Tây chẳng hạn như Exxon Mobil, người Trung Quốc rất sẵn lòng chấp nhận những hợp đồng với thù lao ở mức rất thấp trên mỗi thùng dầu mà không hề đòi hỏi những cam kết đối với trữ lượng trong tương lai. Ngược lại, các công ty tư nhân luôn yêu cầu liệt danh sách trữ lượng dầu để thỏa mãn những đòi hỏi của các nhà đầu tư.

Thậm chí, tại sa mạc gần biên giới Iran, Bắc Kinh cũng đã cho xây dựng sân bay của riêng họ nhằm đưa công nhân đến khu vực dầu mỏ ở phía Nam Iraq. Song song đó, các kế hoạch về việc mở các chuyến bay trực tiếp từ Thượng Hải và Bắc Kinh đến Baghdad cũng đang được tính đến. Tại những khách sạn sang trọng ở thành phố cảng Basra, các nhà điều hành Trung Quốc gây ấn tượng ở cách tiếp đón không chỉ bởi khả năng giao tiếp bằng tiếng A-rập mà còn cả tiếng A-rập giọng Iraq.

"Người Trung Quốc cho thấy họ rất đơn giản, chỉ làm việc, ăn và ngủ. Họ không làm điều gì liên quan đến chính trị hay tôn giáo"- một quan chức giấu tên thuộc Bộ Dầu mỏ Iraq tiết lộ.

Bên cạnh đó, chính lợi ích của Trung Quốc ở Iraq cũng giúp ổn định đất nước giàu dầu mỏ này khi Baghdad đang phải đối mặt với xung đột sắc tộc đang tăng cao. Đối với Trung Quốc, Iraq là một trong nhiều quốc gia mà Bắc Kinh ngày càng phụ thuộc để duy trì nền kinh tế đang phát triển của họ.

Michael Makovsky, cựu quan chức Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bush và cũng là người nghiên cứu chính sách dầu mỏ của Iraq, từng thừa nhận họ thất bại trước người Trung Quốc tại thị trường dầu mỏ Iraq.

Trung Quốc có xu hướng dùng năng lượng để làm giàu cho nền kinh tế nước nhà hơn là vỗ béo cho những tập đoàn dầu mỏ khổng lồ trong nước. Do nhà nước quản lý, các công ty Trung Quốc không phải chịu sự điều khiển của các cổ đông, không chi trả lợi tức hay thậm chí không cần phát sinh lợi nhuận. Họ là những công cụ của chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh đưa ra nhằm giải "cơn khát năng lượng" của đất nước đông dân nhất thế giới này.

NGUYÊN DŨNG (Theo NYTimes)

Chia sẻ bài viết