12/09/2016 - 22:16

Trung Quốc mưu toan lập “tam giác chiến lược” kiểm soát Biển Đông?

"Tam giác chiến lược" (gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough) là cụm từ vừa được trang mạng kinh tế kỹ thuật số Quartz có trụ sở tại Washington (Mỹ) sử dụng trong bài viết xuất bản ngày 12-9 nói về chiến lược của Trung Quốc nhằm mục tiêu cuối cùng kiểm soát hoàn toàn vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Tàu thuyền Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP

Theo Quartz, trong tất cả điểm nóng trên vùng Biển Đông đang tranh chấp, bãi cạn Scarborough đang thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nhất. Bãi cạn Scarborough cách bờ biển Philippines chưa tới 241 km. Đặc biệt, nó nằm gần căn cứ không quân Basa của Mỹ ở Philippines. Giới quan sát từ lâu đã nghi ngờ Trung Quốc muốn xây dựng một đảo quân sự tại đây. Hồi tuần qua, Bộ Quốc phòng Philippines đã tiết lộ những bức ảnh cho thấy nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc tập trung tại bãi cạn này với các hoạt động có thể liên quan đến việc bồi đắp phi pháp.

Biển Đông có các giá trị chiến lược và giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đã không ngần ngại công khai tham vọng kiểm soát hoàn toàn vùng biển này và bãi cạn Scarborough có thể là "mảnh ghép cuối cùng" trong chiến lược đó. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo với các đường băng tiêu chuẩn quân sự, trang thiết bị theo dõi và cảng nước sâu, mà tất cả nhằm hỗ trợ cho yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý chiếm gần trọn Biển Đông.

Để thực hiện tham vọng, Trung Quốc có thể biến bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo. Hiện tại, nhìn cận cảnh từ những bức ảnh do Philippines vừa công bố, các nhà quan sát nhận định tàu Trung Quốc không mang theo trang thiết bị nạo vét và không gây ra mối đe dọa lớn nào về bồi đắp. Có hai giả thuyết về động thái của Bắc Kinh tại đây. Một cho rằng Trung Quốc từ lâu đã có kế hoạch xây dựng trên bãi cạn Scarborough nhưng phải ngưng thi công sau khi giới ngoại giao Mỹ cảnh báo hành động này sẽ gây ra một cuộc đối đầu. Giả thuyết khác đánh giá Trung Quốc đang động thổ một cách tinh vi mà sớm hay muộn cũng hình thành đảo nhân tạo tại đây. Bắc Kinh đã kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 và hạn chế tàu thuyền các nước, kể cả ngư dân Philippines, tiếp cận.

Giới phân tích cho rằng các cứ địa hiện hữu trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với bãi cạn Scarborough được quân sự hóa sẽ hình thành "tam giác chiến lược" để Trung Quốc giám sát và triển khai các hoạt động khắp Biển Đông. Hồi tháng 4-2016, nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan đã cảnh báo trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ về cái tam giác này. Trên một bản đồ, ông Sullivan chỉ rõ vành đai xung quanh của mỗi điểm tam giác và tầm hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc. Các vành đai xoay quanh tam giác dễ dàng bao phủ phần lớn Biển Đông.

Sean Liedman, nhà phân tích quân sự từng là sĩ quan hải quân Mỹ, nhận định rằng hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa và có thể là bãi cạn Scarborough đang tạo ra lợi thế quân sự lớn cho Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết