20/07/2018 - 21:38

Trợ lực để thoát nghèo nhanh, bền vững 

Nhờ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), những năm qua, nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Cần Thơ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Chị Mai vay vốn ưu đãi NHCSXH đầu tư nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Mai vay vốn ưu đãi NHCSXH đầu tư nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình.

Để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh NHCSXH thành phố nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác đối với các tổ chức hội, đoàn thể, thông qua 2.031 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 85 xã, phường, thị trấn. Đến nay, Chi nhánh NHCSXH thành phố triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 2.156 tỉ đồng, với 94.300 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các hộ DTTS là 53,6 tỉ đồng, với 3.220 hộ. Qua đó, giúp bà con DTTS đầu tư sản xuất, kinh doanh (làm vườn, mua bán, chăn nuôi…), xây dựng nhà ở, trang trải chi phí học tập cho học sinh sinh viên, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh…

Thới Xuân là xã còn nhiều khó khăn của huyện Cờ Đỏ, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (659 hộ, chiếm tỷ lệ 36,21%), tỷ lệ hộ nghèo cao. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ, làm thuê. Việc tiếp thu và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đa số hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất nên đời sống còn khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Hiện xã có 2 ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2 có 429 hộ dân tộc Khmer vay vốn NHCSXH, với dư nợ hơn 15 tỉ đồng. Thành viên trong các Tổ TK&VV sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Đồng thời, Hội Nông dân xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn để trang bị kiến thức cơ bản”.

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình trước đây nghèo khó, nay có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn. Như trường hợp ông Danh Quốc Tuấn, ngụ ấp Thới Trường 2, trước đây, chỉ có 1 công ruộng, vợ chồng đi làm thuê, rồi hai đứa con lớn lên, gia đình càng túng thiếu. Năm 2009, ông Tuấn vay 5 triệu đồng vốn NHCSXH, đầu tư nuôi heo. Sau khi trả nợ, ông Tuấn được tăng vốn vay để mở rộng chuồng trại nuôi bò và dê. Ngoài ra, ông còn vay 27,4 triệu đồng để con học đại học. Đến cuối năm 2016, gia đình ông Tuấn thoát nghèo. Ông Tuấn chia sẻ: “Nhờ được vay vốn, gia đình tôi có điều kiện sản xuất, các con ăn học đàng hoàng. Hiện hai cháu có việc làm ổn định, gia đình thoát cảnh nghèo khổ”.

Không riêng huyện Cờ Đỏ, bà con DTTS các địa phương khác được vay vốn NHCSXH để làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Trường hợp chị Thạch Thị Mai, ngụ ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, trước đây, gia cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau, cả nhà 4 nhân khẩu trông nhờ huê lợi 2 công ruộng nhưng do không có tiền đầu tư nên năng suất lúa thấp, thu nhập bấp bênh. Năm 2016, gia đình bà Mai vay 30 triệu đồng để nuôi heo. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế tăng cao. Hiện chị Mai nuôi 2 heo nái, 18 heo con, còn thuê 10 công đất ruộng để canh tác. Chị Mai tâm sự: “Nhờ Hội Phụ nữ giới thiệu, tôi vay vốn ưu đãi 2 chương trình nước sạch vệ sinh môi trường và hộ nghèo. Giờ gia đình tôi thoát nghèo, thu nhập ổn định, có nước máy sử dụng, nhà vệ sinh sạch sẽ. Gia đình tôi trả lãi, trả vốn NHCSXH đúng thời hạn”.

Gia đình chị Lý Thị Ánh Nguyệt, ngụ  khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng chị Nguyệt không đất sản xuất, quanh năm làm thuê kiếm sống. Năm 2016, chị Nguyệt được giới thiệu vay 40 triệu đồng vốn NHCSXH, tận dụng đất nhà xây dựng chuồng trại để nuôi heo và dê. Vợ chồng chị mướn thêm 1 công đất trồng cam sành và bưởi. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình chị thoát nghèo cuối năm 2017.

Theo Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, một trong những yếu tố quan trọng giúp chương trình tín dụng chính sách kịp thời đến với đồng bào DTTS là quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại địa phương. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hơn nữa, NHCSXH tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã và kiện toàn hoạt động Tổ TK&VV; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững. Năm 2017, tín dụng chính sách góp phần giúp thành phố giảm 0,02% tỷ lệ hộ nghèo người DTTS, với 361 hộ thoát nghèo.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, cho biết: “Những năm qua, đơn vị triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả cao. NHCSXH cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vốn các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó, có đồng bào DTTS. Đến nay, hầu hết nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần tích cực trong giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội địa phương”.

PHI YẾN

Chia sẻ bài viết