19/04/2018 - 21:24

Trái cây được giá, nhà vườn vẫn chưa an tâm “đầu ra” 

Những tháng đầu năm 2018, thị trường nhiều loại trái cây tiếp tục khởi sắc do nhu cầu xuất khẩu tăng, thị trường được mở rộng. Nông dân trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương phấn khởi vì bán được giá cao, lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, phần lớn nhà vườn vẫn chưa thể an tâm về đầu ra sản phẩm...

Trước đây, mít Thái khá rẻ, khó bán, dao động ở mức từ 3.000-12.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Có thời điểm mít chín không ai thu hoạch vì lỗ công, nên 3-4 năm trước, chuyện đốn mít chuyển sang trồng xoài Đài Loan đã diễn ra ở rất nhiều nơi... Thế nhưng,  từ năm 2017 đến nay, mít Thái  xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã khiến giá liên tục đẩy lên cao, duy trì ở mức từ 40.000-50.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chạm mức giá 60.000 đồng/kg. Với mỗi trái mít thái có trọng lượng bình quân từ 10-15kg được bán ra, nhà vườn thu từ 500.000-600.000 đồng trở lên, nông dân ở nhiều địa phương đổ xô trồng mít Thái vì giá bán quá hấp dẫn!...

Thương lái thu mua xoài Đài Loan tại vườn của một hộ dân ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Thương lái thu mua xoài Đài Loan tại vườn của một hộ dân ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Anh Lương Văn Nam, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có  hơn 1 công đất trồng mít Thái được 5 năm tuổi, khoảng 3 tháng qua, mít luôn ở mức trên 40.000 đồng/kg, anh lấy lưới bao từng trái mít để tránh sâu đục quả và giăng mùng ngủ tại vườn canh mất trộm. Gia đình anh phấn khởi vì mít bán được giá cao, nhiều người trồng mít như gia đình anh có thể kiếm thu nhập từ 100-200 triệu đồng/công đất trồng mít mỗi năm. Nhưng về lâu dài anh rất ngại giá trái mít Thái có thể giảm do nhiều người trồng, bất chấp giá mít giống đang tăng cao. Anh Nam cho biết thêm: “Trồng mít chạy theo giá thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả những người trồng mới và những người đã trồng từ trước. Mít Thái cho thu hoạch quanh năm, từ khi trồng đến khi cho trái chỉ khoảng 2-3 năm nên được gọi là mít siêu sớm”.

Anh Lê Hữu Thọ, chủ cơ sản xuất cây giống Liên Thọ ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết cây giống mít Thái siêu sớm loại lớn (cây ghép cao từ 1,5m trở lên)  có giá lên đến 150.000-200.000 đồng/cây nhưng không có đủ hàng để bán, còn mít giống Thái loại nhỏ (cây ghép mới lên được 1-3 cơi lá) cũng có giá từ 30.000-70.000 đồng/cây. Hiện nay, không chỉ có các địa phương vùng ĐBSCL trồng nhiều mít Thái mà người dân tại nhiều vùng, miền khác cũng tăng cường trồng. Ngoài ra, các loại sầu riêng giống cũng rất hút hàng do thời gian qua sầu riêng bán được giá cao, nên thu hút nhà vườn trồng thêm...

Theo kinh nghiệm của nhiều tiểu thương, đơn vị, doanh nghiệp thu mua trái cây, những năm trước đây giá cả nhiều loại trái cây bị giảm mạnh và nhiều lúc gặp khó trong tiêu thụ bởi cung vượt cầu. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều loại trái cây ở nước ta còn tiêu thụ chủ yếu ở nội địa, ở dạng thô chưa qua chế biến không giữ được lâu, rộ mùa, dội chợ, rớt giá. Đặc biệt, tâm lý nhà vườn còn trồng cây “ăn” theo giá, cứ thấy loại cây trái nào  có giá bán tốt  chạy theo trồng chưa biết đầu ra tương lai thế nào. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường vốn đa dạng và luôn thay đổi. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu trái cây tươi của thị trường Trung Quốc luôn thất thường, khó đoán, khiến cả nông dân và những người kinh doanh lao đao. Ông Phạm Thanh Bình, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018, giá xoài Đài Loan loại 1 nhiều nông dân ĐBSCL bán tại vườn cho thương lái ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg, nhưng hiện nay bán tại vườn chỉ còn 5.000-8.000 đồng/kg, tùy nơi. Giá xoài Đài Loan giảm mạnh do thời điểm này thị trường Trung Quốc không còn “ăn hàng” mạnh như trước, trong khi thời gian qua nông dân trồng xoài Đài Loan rất nhiều. Đây là loại trái cây chủ yếu phục vụ ăn sống, nếu không được xuất khẩu rất khó tiêu thụ ở thị trường nội địa”.  Theo ông Bình, nông dân trồng xoài Đài Loan bán xoài qua các trung gian chứ chưa bán trực tiếp cho các công ty xuất khẩu khó bán được giá cao và khó nắm bắt nhu cầu của thị trường.

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm trái cây của nước ta có  tiềm năng rất lớn và rộng mở đối với cả sản phẩm trái cây tươi và trái cây chế biến. Kim ngạch xuất khẩu trái cây nói riêng và rau quả nói chung những năm gần đây tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành trái cây, cần chú trọng tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan. Chú trọng phát triển chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các sản phẩm trái cây. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, hạn chế và tiến tới giảm hẳn sự phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Trong đó, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và cũng để nâng cao chất lượng, phát triển nhiều chủng loại trái cây đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết