23/12/2017 - 16:43

Tín hiệu tích cực về tăng trưởng tín dụng 

Năm 2017, vốn huy động và dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ đều tăng so với năm 2016. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Các TCTD đã tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

*  Ông có thể phân tích cụ thể hơn về tăng trưởng tín dụng năm 2017 của các TCTD trên địa bàn thành phố?

- Năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch; đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp tăng… là cơ sở thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.

Theo đó, ước dư nợ tín dụng năm 2017 tăng khoảng 13,5%. Tính trong 3 năm gần đây (từ năm 2015 đến nay), thì đây là năm đầu tiên, dư nợ tín dụng trên địa bàn Cần Thơ tăng cao nhất (năm 2015 tăng 8,35%, năm 2016 tăng 12,65%). So với mức tăng dư nợ tín dụng trung bình trên toàn quốc thì không bằng, nhưng so với khu vực ĐBSCL thì TP Cần Thơ có dư nợ tăng khá cao. Một phần do xuất phát điểm của thành phố cao hơn các tỉnh trong khu vực, phần khác do các TCTD tích cực tìm kiếm khách hàng. Trong đó, dư nợ ròng tăng trên 12.000 tỉ đồng. Nợ xấu cuối 2017 giảm còn khoảng 2,33% trên tổng dư nợ cho vay, so với 3,09% cùng thời điểm này của 2016, đây là điểm cộng đối với các TCTD.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cũng đạt mức khá. Hiện có khoảng 6 công ty tài chính cho vay tiêu dùng, ước dư nợ năm 2017 khoảng 1.000 tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay tăng, chứng tỏ các TCTD đang phục vụ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tín dụng của ngân hàng chủ yếu tập trung hầu hết các lĩnh vực có thế mạnh của thành phố, như: xuất khẩu gạo, chế biến thủy hải sản xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn… Các ngân hàng thương mại không chỉ cho nông dân vay vốn mà ưu tiên cho cả những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn.

* Nhiều DN vẫn than phiền về tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ông nhận định gì về mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN thời gian qua?

- Ngân hàng thương mại và DN là “bạn đồng hành”, DN phát triển tốt thì ngân hàng hoạt động tốt và ngược lại. Năm nay, NHNN chi nhánh không tổ chức hội nghị kết nối chung giữa các Ngân hàng và DN nhưng chi nhánh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp xúc và hỗ trợ tối đa cho DN, yêu cầu các TCTD minh bạch thông tin, minh bạch về hồ sơ, hỗ trợ DN lập hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian cho vay, tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Ngược lại, các DN trên địa bàn cũng có mối quan hệ tốt với các TCTD, ngân hàng cũng chủ động tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các DN có nhu cầu vay vốn, có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với khách hàng tham gia chương trình, xem xét cho vay. Điều này thể hiện qua việc dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt, nợ xấu được xử lý tốt và các dịch vụ của ngân hàng phục vụ cho DN cũng đạt mức tăng trưởng cao (dịch vụ cung ứng, thanh toán tiền mặt, tư vấn tài chính cho DN…).

NHNN chi nhánh đã thành lập Tổ hỗ trợ DN, dành ngày thứ hai hằng tuần để tiếp và giải đáp các thắc mắc của DN; ngoài ra bất cứ ngày nào DN cần vẫn được tiếp đón. Tổ sẽ hỗ trợ DN khi có khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, giao dịch… qua ngân hàng. Chúng tôi cũng làm việc với Hiệp hội DN vừa và nhỏ thành phố để tìm hiểu những khó khăn mà DN cần hỗ trợ. Điểm vướng lớn nhất chính là tính pháp lý về tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng phục vụ sản xuất của DN. Đa số DN vừa và nhỏ đều thiếu vốn, nên mục tiêu hỗ trợ là làm sao để xử lý tốt các vướng mắc trong việc đảm bảo tài sản thế chấp khi vay vốn.

Năm qua, chi nhánh đã tiếp rất nhiều DN lĩnh vực xuất khẩu gạo, thủy sản và đã trả lời thỏa đáng cho các DN. Tới hôm nay, mối quan hệ giữa DN, khách hàng nông dân với ngân hàng không có vướng mắc nhiều. Không có khiếu nại về thủ tục như những năm trước.

Tổ hỗ trợ DN của NHNN chi nhánh khảo sát mô hình trồng rau sạch tiêu chuẩn châu Âu tại một DN. Ảnh: Minh Huyền

* Năm 2018, những kế hoạch trọng tâm mà chi nhánh sẽ thực hiện?

- Năm 2018, NHNN chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời chi nhánh tiếp tục giám sát cho vay bất động sản. Không hạn chế nhưng kiểm soát kỹ hơn, xây dựng các tiêu chí để kiểm soát. Tập trung hỗ trợ DN khởi nghiệp, ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ, NHNN đã có Quyết định 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đây là định hướng mà ngành ngân hàng phải thực hiện để góp phần xây dựng, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cần Thơ có nhiều DN đã và đang làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Chi nhánh sẽ hướng dẫn và đôn đốc, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho những DN này.

Theo cơ cấu ngành của thành phố đến năm 2021 là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Chi nhánh sẽ chỉ đạo các TCTD cho vay theo cơ cấu này. Chúng tôi đã làm việc với thành phố để tiếp xúc các dự án lớn, những DN mới thành lập, khởi nghiệp… để có hướng hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, cơ cấu hợp lý và an toàn tín dụng phải đặt lên hàng đầu; đồng thời kéo giảm nợ xấu xuống dưới mức 2%, tăng trưởng tín dụng từ 14% trở lên (tăng ròng trên 11.000 tỉ đồng), chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, sau thu hoạch, xuất khẩu… 

* Xin cảm ơn ông!

Gia Bảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết