13/08/2017 - 15:53

Thương hồ vạn nẻo mưu sinh 

Từ khắp các tỉnh miền Tây, thương hồ tụ họp về chợ nổi Cái Răng mỗi buổi sáng sớm, sang tay các mặt hàng nông sản từ đầu mối, rồi tỏa đi các hướng, bán cho các gia đình sống ven kinh, rạch. Cứ thế, năm này sang năm khác, con nước lớn ròng giúp thương hồ no cơm, ấm áo.

Thương hồ neo đậu ghe trên sông. 

Giong ruổi mưu sinh

Sáng tinh mơ, hàng chục chiếc ghe, vỏ lãi từ các nhánh sông rục rịch đổ ra chợ nổi Cái Răng tham gia họp chợ. Thỏa thuận được giá, ghe bán lẻ sang hàng từ ghe lớn, không khí trao đổi, mua bán nhộn nhịp.

Cảnh thương lái chuyền tay từng trái dưa hấu, bí đỏ, bắp cải… rất điệu nghệ, thu hút ánh nhìn nhiều khách tham quan. Sau khi lấy đủ hàng, các thương hồ nhỏ lẻ chia nhau rẽ vào các nhánh sông, kênh, rạch bắt đầu hành trình mưu sinh.

Càng về chiều, góc sông dưới chân cầu Ấp Mỹ (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) càng thêm nhộn nhịp bởi “xóm nhỏ” thương hồ tụ về nghỉ ngơi. Chị Nguyễn Thị Út, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, tranh thủ làm sạch, rồi cân, chia củ hành, tỏi thành từng túi nhỏ, để hôm sau bán.

Cạnh đó, cô Nguyễn Thị Thúy, ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cặm cụi giũ sạch bớt đất, rễ từng củ khoai cao. Phía sau lái, sau bữa cơm chiều, những người đàn ông quây quần nhâm nhi vài ly rượu đế ấm bụng, rồi ai làm việc nấy. Chồng chị Út sửa soạn vật dụng trên ghe, hối chị tranh thủ tách bến, đi mua phụ tùng sửa máy.

Chị Út cho biết, chị mới mua bán trên sông 3 năm nay. Trước đó, anh chị chật vật làm ruộng, rồi làm thuê, nuôi 2 con ăn học. Người quen chỉ vẽ nghề mua bán đồ rẫy dưới sông, anh chị “bon chen” thử vận may.

Lúc đầu, có người hướng dẫn cách mua đi, bán lại, chỉ đường mấy nhánh sông, sau đó, anh chị vừa bán, vừa hỏi thăm, cứ vậy, “bản đồ” đường sông in sâu trong trí nhớ.

Đến nay, vợ chồng chị Út khá rành hệ thống sông rạch ở Hậu Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng. Tuy nghề thương hồ lắm vất vả nhưng chồng chị Út cho rằng vẫn khỏe hơn làm hồ. Mỗi ngày, mua bán nông sản sau khi trừ chi phí, anh chị lời từ 150.000 đồng.

Ở xã Phong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, anh Trần Văn Tư, với 42 tuổi đời nhưng đã có 30 năm theo nghiệp thương hồ. Lúc nhỏ, anh đi bán với mẹ. Lớn lên, anh Tư một mình giong ruổi khắp nơi, chắt chiu, dành dụm tiền nuôi con.

Từ tháng này đến Tết, anh Tư quanh quẩn ở Cần Thơ; tháng Giêng, anh quay về các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Đến tháng 3-4, anh Tư tập trung bán ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Mỗi chuyến hàng trị giá khoảng 6 triệu đồng, bán khoảng 4-5 ngày là hết, anh lại quay về chợ nổi lấy thêm chuyến hàng mới.

Sau khoảng 14-15 chuyến hàng, anh Tư về nhà thăm cha mẹ, vợ con. Nhờ nghề này, cuộc sống gia đình anh Tư ổn định hơn, 2 con học hành đàng hoàng.

 Lắm rủi ro

Chú Mai Thanh Hùng, chồng cô Thúy, là cựu chiến binh, từng tham gia chiến trường Campuchia. Mấy năm quân ngũ giúp chú Hùng vững vàng hơn trước cuộc sống khó khăn. Ngoại trừ nền nhà để ở, vợ chồng chú không có đất trồng trọt, chăn nuôi nên chọn nghề thương hồ, giong ruổi mưu sinh khoảng chục năm nay.

Khá lớn tuổi so với các bạn nghề, vậy mà cô chú nói chắc nịch: “Đeo nghề đến khi không còn sức nữa thì thôi!”. Theo nghiệp thương hồ nên hầu như mọi sinh hoạt gia đình cô chú đều gắn với chiếc ghe hay vỏ lãi và những nhánh sông. 

Cô Thúy cho biết: “Tuổi ngày càng cao, không tránh khỏi ốm đau nhưng nhờ trời thương nên khi đổ bệnh, mua vài viên thuốc uống cầm chừng, vợ chồng chăm nhau, lây lất rồi cũng qua”. Ngoài chuyện đau bệnh, cô chú sợ nhất thời tiết không thuận lợi, làm rau củ dễ hư hại, có khi lỗ vốn.

Còn anh Tư chia sẻ, nhiều năm mua bán trên sông, có đêm đang ngủ, kẻ xấu từ trong bờ bơi ra “xin đểu”. Nếu xin không được, bọn chúng ném rác, đất vào ghe, chưa kể nguy cơ bị trộm “ghé thăm”.

Chiều muộn, khoảng sông dưới chân cầu Ấp Mỹ càng đông đúc. Chị Út cho biết, có khi hàng chục ghe cùng neo đậu nghỉ qua đêm. Sau cả ngày mưu sinh trên sông, những thương hồ chỉ mong có bến đậu yên bình để thư giãn, nghỉ ngơi, lấy sức cho cuộc hành trình mới.

Trong câu chuyện nghề miên man, các cô chú, anh em thương hồ không quên gởi lời cảm ơn chính quyền, ngành chức năng địa phương tạo điều kiện để mọi người có bến đỗ an toàn. Anh em thương hồ cũng mong muốn được tiếp tục giúp đỡ để việc mua bán trên chợ nổi Cái Răng thêm thuận lợi.

Bài, ảnh: Mỹ TÚ

Chia sẻ bài viết