11/03/2018 - 16:18

Pháp và Ấn Độ tăng cường liên kết 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm Ấn Độ 4 ngày nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực an ninh và năng lượng.

Tổng thống Pháp Macron (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại cuộc họp báo chung. Ảnh: AFP

Quan hệ ngày càng khắn khít giữa hai nước được thể hiện qua việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phá lệ khi đích thân ra tận sân bay đón phái đoàn Pháp. “Chào mừng đến với Ấn Độ, Tổng thống Emmanuel Macron. Chuyến thăm của ngài sẽ làm tăng thêm sức mạnh đáng kể cho quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Pháp”, ông Modi còn viết như vậy trên Twitter. Được biết, nhà lãnh đạo Ấn Độ từng được tiếp đón nồng nhiệt khi đến Paris hồi năm ngoái.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Macron khẳng định: “Pháp là cửa ngõ vào châu Âu. Chúng tôi muốn trở thành đối tác tốt nhất của Ấn Độ tại châu Âu”. Đáp lại, Thủ tướng Modi tuyên bố: “Từ mặt đất cho tới bầu trời, không có lĩnh vực nào mà Ấn Độ và Pháp không hợp tác cùng nhau”. Các hợp đồng trị giá 16 tỉ USD đã được doanh nghiệp hai nước ký kết trong ngày đầu tiên của chuyến công du, theo Reuters.

Nhưng được chú ý hơn cả là việc Pháp và Ấn Độ đồng ý mở cửa các căn cứ hải quân cho tàu chiến của nhau, cũng như cùng nhau bảo đảm tự do hàng hải trên Ấn Độ Dương. Động thái này được cho là nhằm đối phó việc Trung Quốc gần đây thường xuyên phô diễn sức mạnh quân sự trên biển. Cả Paris và New Delhi đều quan ngại trước việc Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti hồi năm ngoái, cũng như đổ tiền nhằm tìm kiếm ảnh hưởng tại các quốc gia ven Ấn Độ Dương với chiến lược “Chuỗi ngọc trai”. “Ấn Độ Dương, cũng như Thái Bình Dương, không thể trở thành nơi hoành hành của các thế lực bá quyền”, Tổng thống Macron nhấn mạnh. Theo Shivani Singh, nhà nghiên cứu an ninh hạt nhân người Ấn Độ, Pháp là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó 24% nằm ở Ấn Độ Dương. Pháp cũng có 3 lãnh thổ trên Ấn Độ Dương với 1 triệu dân cùng các căn cứ quân sự tại Djibouti và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Do vậy, giới quan sát cho rằng thỏa thuận vừa đạt được với Pháp cho phép Ấn Độ tăng cường hiện diện trên Ấn Độ Dương, thoát khỏi sự bao vây của Trung Quốc.

Về năng lượng, hai bên đã ký kết thỏa thuận kỹ thuật đối với dự án điện hạt nhân lớn nhất thế giới (công suất 9,6 GW) do Pháp thực hiện tại bang Maharashtra. Thỏa thuận sơ bộ về công trình trị giá 9,3 tỉ USD gồm 6 lò phản ứng này đã được ký kết hồi năm 2010 nhân chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy. Tuy nhiên, dự án đã vấp phải sự phản đối vì những lo ngại về an toàn sau khi xảy ra thảm họa kinh hoàng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011. AFP dẫn các nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp cho biết thỏa thuận chính thức có thể sẽ được ký kết trước cuối năm nay.

Ngày 11-3, hai nhà lãnh đạo đã tham dự hội nghị thượng đỉnh về năng lượng Mặt trời tại New Delhi, được tổ chức nhằm thể hiện cam kết của Ấn Độ và Pháp trong việc bảo vệ môi trường. Pháp là nước chủ nhà của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới và đã phê chuẩn văn kiện này. Theo kế hoạch, Thủ tướng Modi và Tổng thống Macron cũng sẽ tham dự lễ khánh thành một nhà máy điện Mặt trời tại bang Uttar Pradesh vào hôm nay.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết