11/09/2016 - 08:11

Nỗi lo cho cuộc chiến còn thăm thẳm

Vụ tấn công khủng bố tự sát bằng máy bay làm chấn động toàn thế giới tại Mỹ đến nay đã tròn 15 năm (11/9/2001-11/9/2016). Và cũng gần bấy nhiêu thời gian, nước Mỹ lao vào cuộc chiến chống khủng bố vừa khốc liệt vừa gây tranh cãi.

Đánh dấu 15 năm sau thảm họa khủng bố kinh hoàng đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson vừa tổ chức buổi lễ khai trương chính thức các văn phòng liên bang được chuyển trở lại vào Trung tâm Thương mại Thế giới 1 (còn gọi là Tháp Tự do), nơi mà nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã sụp đổ theo đống tro tàn của tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới nguy nga tráng lệ ngày nào ở New York.

Sự kiện các cơ quan chính quyền liên bang trở lại tòa nhà chọc trời 104 tầng mới cao nhất Tây bán cầu (541 mét), Bộ trưởng Jeh Johnson tuyên bố "đây là một ngày tiến lên, thể hiện sự quyết tâm của chúng ta hướng về phía trước".

Quốc hội lưỡng viện Mỹ cũng đã có buổi tưởng niệm cho ngày 11-9. Thủ lĩnh đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi khẳng định vụ khủng bố "đã làm gia tăng sự đoàn kết của người dân nước Mỹ".

Thế nhưng, những gì mà chính giới Mỹ đã thực thi trong 15 năm qua nhằm đem lại tâm thế bình an cho người dân xứ cờ hoa không mang lại kết quả. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy người dân Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về mối đe dọa khủng bố. Có tới 50% số người được hỏi cho rằng khả năng xảy ra tấn công khủng bố tại Mỹ còn lớn hơn thời điểm cách đây một thập niên rưỡi. Đây là tỷ lệ bi quan cao nhất trong cuộc thăm dò về khủng bố trong 14 năm qua. Phần lớn người dân Mỹ cũng xác định khủng bố là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà đất nước này đang phải đương đầu. Thậm chí, có đến 89% số người Mỹ cảm nhận họ sẽ tiếp tục phải sống chung với nguy cơ khủng bố trong thời gian dài nữa.

Trong khi đó, cuộc chiến pháp lý đòi bồi thường cho thân nhân những người thiệt mạng trong vụ tấn công thảm khốc vẫn dai dẳng và gây căng thẳng trên chính trường. Tiếp theo Thượng viện, Hạ viện Mỹ ngày 10-9 thông qua đã dự luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố kiện Arabia Saudi phải bồi thường cho những tổn thất nặng nề mà những tên không tặc có liên quan đến chính phủ nước này gây ra.

Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật trên, vốn có thể làm tan vỡ mối quan hệ đồng minh chiến lược với Arabia Saudi. Nếu ông chủ Nhà Trắng bác bỏ dự luật trên, hai viện Đồi Capitol do phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ nhóm họp và bỏ phiếu phê chuẩn nếu có đủ 2/3 nhà lập pháp ủng hộ. Nếu thành công, đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ "phế truất" quyền phủ quyết của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2009.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, Nytimes, TTXVN)

Chia sẻ bài viết