21/08/2008 - 21:04

Nỗi bất hạnh của hai cô gái tâm thần

Họ cùng ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chỉ khác nhau ấp. Con Rạch Ông Tạc chia hai, bên này là nhà của Bùi Thị Bích Tuyền (21 tuổi), tối ngày chỉ quanh quẩn trên giường, chân thường bị xích lại khi người thân đi vắng; bờ rạch bên kia là nơi ở của Huỳnh Thị Cẩm Tú (17 tuổi), trú trong căn chòi chưa đầy 4m2, xung quanh căn chòi được rào nẹp tre, có cửa mở ra vào mỗi khi người nhà muốn tắm rửa hay cho Tú ăn...

Hai người đàn ông thần kinh không bình thường và cô gái tâm thần Bùi Thị Bích Tuyền sống nương tựa vào nhau.

1. Một buổi chiều, khi cơn mưa vừa tạnh, chúng tôi tìm đến nhà của chị Bích Tuyền ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi, da ngăm đen, mặc độc một chiếc quần xà lỏn với nhiều nếp nhăn, ngồi bó gối trước cửa nhà, ánh mắt đăm chiêu. Thấy chúng tôi tiến lại gần, ông liền đứng dậy nói vài câu lí nhí trong miệng nghe không rõ, rồi lại chồm dậy quay lưng về phía chúng tôi, chỉ tay vào nhà.

Chúng tôi vừa bước qua ngạch cửa vào nhà thì một mùi hôi, ẩm mốc, xộc thẳng vào mũi. Trên giường, một cô gái đang ngồi, ánh mắt lơ láo, nụ cười ngây dại, miệng nói lảm nhảm, xung quanh giường vung vãi củi, rác, có sợi dây xích đã sét buộc chân cô gái vào chân giường.

Một cán bộ ấp ở gần đó cho biết: “Người đàn ông là Bùi Văn Tâm (cha cô gái); còn cô là Bùi Thị Bích Tuyền bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên lúc nào cũng ngơ ngác. Ông Tâm và Bùi Văn Dô (chú của Tuyền) đều trong tình trạng tinh thần không ổn định, lúc tỉnh lúc mê. Tội nghiệp, ông Tâm là hộ nghèo của xã, ai mướn gì làm nấy, chỉ cần cho cơm gạo ăn là được nhưng vì thần kinh ông có vấn đề nên người ta cũng ít mướn lắm!”.

Chúng tôi đang trò chuyện với cán bộ ấp thì bắt gặp một người đàn ông lấp ló bên vách nhà, đôi tay dính đầy bùn nhão. Anh cán bộ ấp kêu vào nhà thì ông ta có vẻ sợ sệt, bước thụt lùi ra sau. Đó là ông Dô, nãy giờ đang nhổ cỏ gần nhà.

Căn nhà này, giờ chỉ có 3 người sống chung, mấy năm trước, mẹ của Tuyền cũng sống ở đây nhưng thần kinh của bà không bình thường nên ngoại Tuyền đã rước bà về nuôi. Tuyền giờ sống lây lất bữa đói bữa no cùng cha và chú. Có hôm, cả ngày 2 người đàn ông đi vắng, đến chiều tối mới về, thì ở nhà Tuyền bị khóa chân lại, “nếu không buộc dây nó đi”-ông Tâm nói.

Đôi chân Tuyền bị xích lâu ngày nên có những vết hằn bầm tím, chỗ thì trầy xước, sưng tấy làm ghẻ. Có bữa, ông Tâm đi làm về tối mịt thấy con gái nằm trên giường bất động vì đói, ông chỉ biết ra trước cửa ngồi khóc như con nít. May thay, có người hàng xóm tốt bụng phát hiện, giật tóc mai và thoa dầu cho Tuyền, một lúc sau chị tỉnh lại, người hàng xóm bới cho chị một tô cơm, chị bốc cho vào miệng ăn ngon lành. Đó không phải là lần đầu Tuyền chịu cảnh đói, khát. Một phụ nữ tâm thần sống chung với 2 người đàn ông thần kinh không bình thường thì làm sao Tuyền được chăm sóc tốt. Xóm giềng cảm thấy xót xa nhưng không biết làm sao.

Em Huỳnh Thị Cẩm Tú suốt ngày la hét trong căn chòi gần nhà được người cô dựng lên.

2. Lọt lòng mẹ đến năm lên 3 tuổi, Huỳnh Thị Cẩm Tú ở ấp Trường Trung A chẳng được mẹ chăm sóc vì bà đã bỏ đi biền biệt, đến nay không một lần về thăm. Lúc mới sinh ra cho đến 2 tuổi, Tú chỉ biết khóc và “ư...e” chứ không biết nói, gia đình cũng không biết em bị bệnh vẫn nuôi nấng và chăm sóc, hy vọng một ngày nào đó, Tú sẽ phát triển như đứa trẻ bình thường. Nhưng hy vọng đó tắt lịm khi gia đình đưa em đi khám bệnh và được biết Tú bị nhiễm chất độc màu da cam.

Từ ngày mẹ Tú bỏ đi, cha Tú phải chăm sóc em. Lúc Tú còn nhỏ thì việc vệ sinh cá nhân cũng dễ dàng, đến khi Tú lớn lên thì công việc này trở nên khó khăn hơn vì Tú là con gái. Ban ngày, ông Huỳnh Văn Thành (cha Tú) đi làm vườn, gởi Tú cho bà Huỳnh Thị Kết (cô ruột Tú). Cứ thế, hai cha con nương tựa nhau mà sống. Thế nhưng, một lần nữa bất hạnh lại đến với Tú, cách đây 3 năm, ông Thành đã qua đời ở tuổi 48, sau một cơn bệnh nặng. Ngày ông Thành mất, hàng xóm buồn lo, còn Tú không biết gì, cứ ngồi bên quan tài cha em cười ngây dại.

Cha mất, căn nhà nhỏ chỉ còn mình Tú, không ai chăm sóc. Bà Kết thấy thương cháu mồ côi, đem Tú về nuôi. Không hiểu sao, càng ngày Tú càng hung hăng, rượt đánh, cắn bà Kết và nhiều khi bỏ đi mấy ngày, bà Kết tìm cháu mỏi mòn, khó khăn lắm mới tìm được Tú về, do Tú trốn trong bụi rậm mấy ngày liền.

Bà Kết đành dựng một căn chòi nhỏ gần nhà Tú, xung quanh rào nẹp tre, bên trong đặt một chiếc võng để Tú lên đó. Suốt ngày, Tú cứ đưa võng “vù... vù”, cười “khà... khà” quên ngày tháng, chẳng biết mình là ai, khi đói bụng cũng không kêu la, chỉ khóc thật lớn. Khi đó, bà Kết mở cửa rào đem thức vào cho Tú, có thức ăn dù là rau với một ít cơm, Tú vẫn ăn ngon lành. Bà Kết tâm sự: “Nhìn thấy Tú ăn lia lịa, tôi xót lòng quá! Tôi cũng không khá giả gì, đã có tuổi, vợ chồng tôi làm thuê, làm mướn. Giờ mong ước lớn nhất của tôi là mỗi tháng có đủ gạo để lo cho Tú ăn thôi là mừng rồi nhưng cũng chưa lo được đầy đủ nữa. Thiệt buồn”.

Khổ nhất là mỗi lần bà Kết dẫn Tú đi tắm rửa, thay quần áo. Khi thấy bà Kết mở cửa, Tú chạy nhanh ra ngoài, bà rượt không kịp; có khi bà Kết đang lúi húi mở cửa thì Tú nhảy xuống võng cắn bà Kết, rượt bà Kết đánh, chọi đất đá. Có hôm, Tú ngoan ngoãn đi tắm mà toàn thân không mảnh vải, khi thì nhảy “tủm” xuống con rạch rồi lên bờ đi thẳng tới hàng ba nhà mình, đứng trơ ra đó rất lâu như đang nhớ lại gì đó mà không cho bà Kết thay quần áo.

Mỗi khi chiều xuống, bầy muỗi đói kêu vo ve, bà Kết lại mở cửa đưa Tú vào nhà và giăng cái võng trong mùng cho Tú ngồi đưa, rồi ngủ ngay trên võng. Tuy nhiên, Tú ít chịu ngồi yên trong mùng mà thường đi ra vào loanh quanh trong nhà. Có lúc, trong người bứt rứt Tú xé rách mùng, đập cửa rên khóc thâu đêm. Hôm nào Tú ngủ được là căn nhà yên ắng. Bà Kết qua nhà Tú mở cửa, thấy Tú ngủ trong mùng thì bà mới an tâm quay về nhà mình. Có hôm, Tú ngủ dựa tường hay nằm lăn dưới đất, bị muỗi chích đầy người; tay, chân Tú đầy những vết cào, cắn, bầm tím do Tú gây ra. Bà Kết chạnh lòng, rón rén đưa cháu vào mùng, ngủ được vài tiếng đồng thì Tú lại thức giấc. Bà Kết phải thắp đèn sáng suốt đêm trong nhà Tú để bà chạy qua lại dòm ngó đứa cháu.

Trước cảnh bệnh tật, gia đình khó khăn của chị Tuyền, em Tú, mong bạn đọc gần, xa và các nhà hảo tâm hãy giúp đỡ họ để họ có điều kiện được chăm sóc tốt, không quá vất vả trong quãng đời còn lại, xoa dịu bớt phần nào nỗi đau bệnh tật mà họ đang gánh chịu.

Bài, ảnh: LIÊN HOA

Chia sẻ bài viết