11/07/2018 - 10:00

Những yếu tố tác động đến công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay

Tại Đại hội XII, nội dung xây dựng Đảng được hình dung một cách toàn diện, không chỉ là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn đặc biệt nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, nói rộng hơn là xây dựng Đảng về văn hóa, đưa văn hóa vào trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bản lĩnh cầm quyền của Đảng, không ngừng bồi đắp mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, củng cố và phát huy niềm tin của nhân dân với Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.

Nhận thức mới về công tác xây dựng Đảng từ thực tiễn 30 năm đổi mới và qua các văn kiện Đại hội XII

Xây dựng Đảng, nhất là từ khi Đảng trở thành đảng cầm quyền luôn là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời dành cả trí lực và tinh lực của mình cho công việc vô cùng hệ trọng là xây dựng Đảng. Ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời, mới chỉ là mầm mống, phôi thai, từ tổ chức tiền thân là “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, với “những con chim non cộng sản” đầu tiên, Người đã dày công giáo dục lý tưởng, rèn luyện đạo đức, gây dựng phong trào và lực lượng.

Hơn chín mươi năm về trước, vào năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã viết “Đường cách mệnh”. Đó là tác phẩm lý luận đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong nước và cũng là tác phẩm đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức vào năm 1930. Một trong những điểm đặc sắc của tác phẩm mác-xít quan trọng này là ở chỗ, Người đã đặt lên hàng đầu, trước hết về đạo đức của Đảng cách mệnh, về “tư cách của người cách mệnh”.

Từ lúc đó, Người đã hình dung rõ, đường cách mệnh, người cách mệnh phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, phải “ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất”. Đó là lập trường, quan điểm, phương hướng chính trị và cũng là bản lĩnh chính trị của Đảng cách mạng tiên phong. Đó còn là đạo đức, đạo đức trong chính trị mà mỗi người cách mạng phải thể hiện sao cho xứng đáng. Người còn khẳng định, bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chân chính cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin, chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người cách mạng phải giác ngộ, tin tưởng, theo đuổi và phấn đấu suốt đời theo chủ nghĩa đó.

Làm cách mệnh, trước hết phải có Đảng và Đảng chân chính cách mạng thì phải có chủ nghĩa làm cốt (cốt yếu). Đảng không có chủ nghĩa giống như con người không có trí khôn. Làm cách mệnh thì phải cách mệnh đến nơi, tức là triệt đểtheo gương cách mệnh Tháng Mười Nga do V.I. Lê-nin lãnh đạo. Công - Nông là gốc của cách mệnh, đoàn kết, đại đoàn kết là sức mạnh, là bí quyết thành công của cách mệnh, để “phá cái cũ lạc hậu, lỗi thời đổi ra cái mới tốt đẹp, tiến bộ và phát triển”. Sự nghiệp vĩ đại ấy đòi hỏi đảng viên và toàn Đảng phải có đạo đức cách mạng, phải suốt đời nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Đó là mấy điểm lý luận cốt yếu trong “Đường cách mệnh”, luôn luôn mới, luôn có giá trị, trở thành giá trị bền vững trong xây dựng Đảng.

Sau “Đường cách mệnh” đúng 20 năm, vào năm 1947, khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả nước và toàn dân tộc đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, Người lại viết “Sửa đổi lối làm việc” để ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng đủ sức lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, sao cho “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Người đề cập tới “tư cách của người cách mạng và đạo đức cách mạng” trong Đảng, với mười hai điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, gắn liền khoa học, chính trị, đạo đức, nói rộng ra là văn hóa của Đảng, văn hóa trong Đảng, nhất là phải làm cho Đảng vững mạnh, trong sạch, đường lối chính trị đúng, tổ chức đảng thật chặt chẽ, kỷ luật trong Đảng thật nghiêm minh, tự giác, tư tưởng và hành động nhất trí, dân chủ phải thực chất để đoàn kết phải thực sự chứ không hình thức.

Người gọi dân chủ, sáng kiến, hăng hái - đó là ba điều quan trọng để có sức mạnh và đi tới thành công. Quan trọng nhất là sự gắn bó mật thiết, lâu bền giữa Đảng với dân, Đảng mạnh là nhờ có dân giúp sức, Đảng có mạnh mới dẫn dắt, lãnh đạo dân, đưa phong trào cách mạng tiến lên và đi tới thắng lợi.

Do đó, tất yếu phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; dựa vào dân để kiểm tra và điều chỉnh đường lối, chính sách, nghị quyết cho đúng đắn, sát hợp; dựa vào dân để chấn chỉnh tổ chức bộ máy; dựa vào dân mà giáo dục, uốn nắn cán bộ. Mười hai điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng chứa đựng một hệ thống các quan điểm và quan niệm, phương pháp và giải pháp xây dựng Đảng, đổi mới (“Sửa đổi”) gắn liền với chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Có thể nói, “Sửa đổi lối làm việc” là “Văn kiện” đầu tiên, sớm nhất đề cập trực tiếp và hệ thống tới vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, rộng hơn là đặt nền tảng lý luận cho xây dựng Đảng toàn diện, làm động lực thúc đẩy đổi mới và phát triển ở nước ta sau này.

Cho đến “Di chúc” (1965 - 1969), Người vẫn hằng suy nghĩ, căn dặn “trước hết nói về Đảng”, “đầu tiên là công việc với con người”, nhấn mạnh và trù tính việc đổi mới, nhấn mạnh vào bốn chữ thật phải thực hiện, phải chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một đảng cầm quyền. Người đặc biệt căn dặn Đảng ta và mọi cán bộ, đảng viên cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nêu cao tự phê bình và phê bình, làm tròn trọng trách là người lãnh đạo, người đầy tớ tận tụy và trung thành của nhân dân. Phải ra sức quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Đó là những chỉ dẫn quý báu, nhất quán, toàn diện và hệ thống về xây dựng Đảng mà Người để lại cho chúng ta. “Di chúc” kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đã trở thành di sản thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện, gìn giữ và phát huy. “Di chúc” và những tác phẩm tiêu biểu khác của Người đã chẳng những là “Quốc bảo” mà còn là “phép bảo” soi sáng nhận thức và hành động của Đảng ta trong đổi mới, trong xây dựng Đảng hiện nay.

Từ thực tiễn 30 năm đổi mới và qua các văn kiện Đại hội Đảng, qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII gần đây, có thể thấy những nhận thức mới của Đảng về xây dựng Đảngtập trung ở những điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, xác định nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng nước ta là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã trang trọng viết về tư tưởng Hồ Chí Minh với những nhận thức mới, toàn diện, đầy đủ nhất so với trước đây.

Thứ hai, xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và đến Đại hội XII, xây dựng Đảng gắn liền với chỉnh đốnĐảng được coi là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ của mọi nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cũng có thể nói là nhiệm vụ lâu dài.

Thứ ba, khẳng định và nhấn mạnh một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “dựa vào dân mà xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể”. Dựa vào dân để tăng cường kiểm soát quyền lực, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mấu chốt là đẩy mạnh thực hành dân chủ, nhất là và trước hết là thực hành dân chủ trong Đảng, đẩy lùi vấn nạn và quốc nạn tham nhũng. Đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, của các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy.

Thứ tư, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó có tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một giải pháp cơ bản, lâu dài, có tầm chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng để Đảng ngang tầm nhiệm vụ, làm tròn sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với nhân dân và dân tộc.

Những điều nói trên là những định hướng lớn trong xây dựng Đảng ta hiện nay.

Xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là một nhiệm vụ, một lĩnh vực thuộc về nội dung công tác đảng, làm cho mọi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần các giá trị chuẩn mực đạo đức để ra sức thực hành đạo đức trong công tác, trong lối sống, trong quan hệ với nhân dân làm cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh mà còn phải làm cho đạo đức thấm sâu vào chính trị, vào tư tưởng và tổ chức của Đảng.

Phải có bảo đảm về đạo đức thì xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mới thành công, mới đạt được kết quả, hiệu quả chắc chắn, bởi Đảng cũng như con người, như một cơ thể sống, Đảng cũng từ các đảng viên mà hợp thành. Đức là gốc. Đức mà yếu kém, thiếu hụt, suy thoái thì tư tưởng không thể sáng suốt, lý luận không thể tiên tiến, chính trị không thể đúng đắn, nhất là phương hướng chính trị không thể rõ ràng, kiên định và tổ chức cũng không thể có sức mạnh, có sức chiến đấu.

Đạo đức của người đảng viên và đạo đức của từng tổ chức đảng cho đến toàn Đảng đều có quan hệ mật thiết đến đoàn kết, đến dân chủ và kỷ luật, đến uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân và trong xã hội.

Khi Đảng đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo và cầm quyền, nhất là trong điều kiện hiện nay khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, thì lợi ích vật chất, tiền và quyền, danh và lợi là những tác động rất mạnh vào mọi mối quan hệ, vào động cơ, ý nghĩ, hành vi và hoạt động của mỗi người. Đảng viên và từng tổ chức đảng đang phải thường xuyên đối mặt với thực tế đó. Không có đạo đức trong sáng khó có thể vượt qua những sự bủa vây, cám dỗ của tiền và quyền. Thực tế đã cho thấy, mọi suy thoái, biến chất, thậm chí cả những tha hóa, từ tha hóa nhân cách đến tha hóa quyền lực dẫn tới làm biến dạng bản chất Đảng, làm suy giảm niềm tin vào lý tưởng, mục tiêu, làm suy giảm niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng,... đều do yếu kém, suy đồi về đạo đức mà ra.

Sức mạnh để tự bảo vệ, đối với Đảng và cách mạng lúc này, trước hết cũng như sâu xa là sức mạnh của đạo đức, nhân phẩm, đi liền với nó là sức mạnh của thể chế, của kỷ luật, kỷ cương, của các chế tài cùng với dư luận xã hội - tiếng nói của nhân dân, từ ý nguyện đến ý chí phê bình, cảnh báo, răn đe, phản ứng.

Cũng từ thực tế đó, với một Đảng cầm quyền, lại duy nhất cầm quyền như Đảng ta, vào lúc này, xây dựng Đảng về đạo đức nổi lên ở hàng đầu trong những đòi hỏi cấp thiết, bức xúc nhất đối với Đảng, với nhân dân và toàn thể dân tộc.

Nhận rõ tầm quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức mới chỉ là tiền đề nhận thức. Phải chuyển từ nhận thức đó thành quyết tâm và trách nhiệm chính trị, thành tình cảm và ý chí hành động, bằng mọi biện pháp và việc làm để đạo đức, văn hóa đạo đức trong Đảng được lành mạnh.

Trước việc lớn này, Đảng ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, trở ngại phải vượt qua. Đó chính là những nhân tố, yếu tố tác động tới từng tổ chức đảng, từng đảng viên. Cần nhận rõ những yếu tố đó để tìm đúng các giải pháp thúc đẩy mặt thuận, khắc phục và đẩy lùi mặt nghịch để tạo chuyển biến thực sự trong xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng và xây dựng Đảng nói chung.

Nhận diện những yếu tố tác động đến công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay

Trước hết, ta xem xét những yếu tố tác động tích cực, tạo ra khả năng thuận lợi cho Đảng ta xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là:

- Giá trị đạo đức trong truyền thống dân tộc và trong truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng.

Đó là ý thức dân tộc và lòng yêu nước như một sức mạnh bền bỉ, có giá trị vĩnh hằng. Đây là một giá trị văn hóa, trong đó cốt lõi là đạo đức, nói lên tình cảm và trách nhiệm của con người Việt Nam đối với đất nước, dân tộc. Lòng tự hào, tự trọng dân tộc có trong phẩm giá, lương tâm và lương tri mỗi con người trước vận nước, gắn bó cộng đồng, biết tự thức tỉnh, tự ý thức về đạo lý, lẽ sống để lựa chọn giá trị, lẽ sống, để hành động theo đạo lý, đạo nghĩa ở đời và làm người. Từ hàng ngàn năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam đã biết rõ “dòng trong dòng đục”, thà “chết vinh còn hơn sống nhục”, thà chết chứ không đầu hàng mọi kẻ thù xâm lược tàn bạo.

Cho đến thời hiện đại, truyền thống trọng nghĩa kính tài, tự do chứ không làm nô lệ, “bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất” là thái độ sống, thái độ lựa chọn lẽ sống, theo đuổi giá trị,... đã được Hồ Chí Minh thức tỉnh, nuôi dưỡng và thúc đẩy.

Chủ nghĩa yêu nước là giá trị hàng đầu trong bảng giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam, vào lúc này cần phải được ra sức hun đúc, phát huy. Từ khi có Đảng, có Bác Hồ, truyền thống và giá trị đó được nâng cao ở tầm thời đại, mang sức mạnh giải phóng và phát triển.

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống bắt gặp tinh thần thời đại và xu thế lịch sử đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước chân chính, xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, truyền thống cách mạng của Đảng nâng cao truyền thống dân tộc và tạo ra sức mạnh, sức sống bền bỉ, thành tiềm năng tinh thần, thành nguồn trữ năng văn hóa, đạo đức của dân tộc, của Đảng. Nó sẽ không bao giờ vơi cạn, tàn lụi nếu được nuôi dưỡng, phát huy đúng lúc, đúng cách để mang sức mạnh một động lực mãnh liệt, bền bỉ cho phát triển. Thuận lợi vô giá này phải ra sức tận dụng, khai thác để chấn hưng đạo đức, chấn hưng dân tộc, góp phần quan trọng vào xây dựng đạo đức trong Đảng, ra sức thực hành đạo đức trong Đảng và trong nhân dân, nhất là ở thời điểm hiện nay khi phát triển đất nước trở thành lợi ích cốt lõi của quốc gia, lợi ích dân tộc là tối cao, giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, chúng ta lại đang xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đang đẩy mạnh đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục và đào tạo, nhằm đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ giá trị nhân cách con người Việt Nam. Đây là yếu tố thuận lợi rất cơ bản. Đảng nêu vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức vào lúc này là hợp với Lòng dân, với Ý Đảng và phải sao cho trở thành Phép Nước.

Quan hệ mang tính quy luật này đã từng được thể hiện và chứng thực suốt hơn 30 năm qua làm nên thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đổi mới, giờ đây nhất định phải được phát huy trong Đảng, Đảng ra sức giáo dục rèn luyện đảng viên với đội ngũ năm triệu người, lại dựa vào nhân dân mà phát huy Đảng, 91 triệu dân hoàn toàn có thể làm xung lực mạnh mẽ bền bỉ nhất cho Đảng tốt lên, mạnh lên về đạo đức, từ đạo đức, làm cho Đảng là Đảng của đạo đức, của văn minh. Thuận lợi này cũng là cơ hội để Đảng “tự phê bình và sửa chữa”, tự vượt lên chính mình, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và cũng là đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, của nhân dân đã một lòng tin tưởng theo Đảng, xây dựng và bảo vệ Đảng.

- Bài học thực tiễn 30 năm đổi mới với công tác xây dựng Đảng. 

Hai tiến trình nổi bật qua 30 năm đổi mới với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đem lại cho Đảng ta những nhận thức, thu hoạch bổ ích, thấm thía về công tác xây dựng Đảng, nhất là phải được nhìn nhận từ việc tổ chức thực hiện nghị quyết và thực trạng trong Đảng, đặc biệt là tình huống đạo đức trong Đảng cầm quyền. Đảng ta trong hơn 30 năm đổi mới đã có không ít nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, nổi bật nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đều trực tiếp bàn về xây dựng Đảng. Và, không một nghị quyết đại hội nào (từ Đại hội VI đến Đại hội XII), không một hội nghị Trung ương nào của Đảng lại không đề cập tới vấn đề xây dựng Đảng, tới công tác đảng, tới đạo đức cán bô,̣ đảng viên. Nhưng do yếu kém kéo dài về tổ chức thực hiện nghị quyết, về công tác tổ chức cán bộ, về thi hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng nên kết quả đạt được chưa được như mong muốn. Đi vào kinh tế thị trường, việc chậm nhạy bén trước tác động mặt trái và những hệ lụy xã hội gay gắt của nó, kể cả chậm nhận thức về vai trò của đạo đức, của giáo dục và rèn luyện đạo đức trong Đảng, trong xã hội nên đã xảy ra ngày càng nghiêm trọng về tình huống đạo đức trong Đảng: quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm, lợi ích nhóm, mất đoàn kết,... Đã đến lúc cần đến sự phản tư và phản tỉnh mạnh mẽ nhất trong Đảng và cả trong xã hội để trung thực được đề cao, tài năng được trọng dụng, cái đúng, cái thiện được khẳng định và phát huy, cái xấu, cái ác, cái bất công cùng với những bất minh, bất chính phải bị phê phán, lên án gay gắt từ trong Đảng đến trong dân. Chỉ có phục hồi, chấn hưng đạo đức trong Đảng mới làm cho Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh, mới thúc đẩy được chấn hưng đạo đức và văn hóa trong xã hội. Bài học xây dựng Đảng về đạo đức với những hạn chế, khiếm khuyết trong 30 năm đổi mới được nhận thức, được đặt ra nghiêm túc ở Đại hội XII là một nhân tố tác động theo chiều hướng tích cực đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay.

- Di sản Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nhận thức, vận dụng và phát huy là một xung lực, một lực đẩy tinh thần mạnh mẽ góp vào nỗ lực chung làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là Đảng chân chính cách mạng, là đạo đức, là văn minh.

Từ Đại hội X Đảng ta đã mở cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến Đại hội XI, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nhận thức như một nhu cầu văn hóa tự giác, lần đầu trong Đảng, trong dân, khắc phục tính hành chính, hình thức, phô trương từ “tư duy về cuộc vận động”. Đến Đại hội XII, việc đẩy mạnh học tập và làm theo không chỉ là tấm gương đạo đức mà toàn diện, hệ thống, chỉnh thể từ tư tưởng đến đạo đức và phong cách, đặc biệt là phong cách Hồ Chí Minh đã làm chuyển biến nhận thức sâu rộng trong Đảng, trong dân. Từ Chỉ thị số 06-CT/TW (khóa X) đến Chỉ thị số 03-CT/TW (khóa XI) và Chỉ thị số 05-CT/TW (khóa XII) của Bộ Chính trị là sự phát triển tiếp nối những nhận thức của Đảng về di sản, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày một đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Nhất là, trong việc học tập và làm theo Bác lần này, Đảng ta nhấn mạnh trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu của cấp ủy, của người đứng đầu cấp ủy (trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau), đề cao tự phê bình, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm để thực sự tạo ra chuyển biến tích cực, hướng trực tiếp vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết và kiên trì phòng ngừa, đẩy lùi sự suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với 27 biểu hiện nhận diện và là căn cứ để xử lý, để chỉnh đốn Đảng.

Đó là ba yếu tố cơ bản, thuận lợi cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức cần phải tận dụng khai thác, phát huy kịp thời, thường xuyên, bền bỉ đạt tới mục tiêu.

Cùng với đó, cần hình dung rõ và đủ những khó khăn, thách thức, nguy cơ đang tác động rất mạnh, rất phức tạp trong Đảng, trong xã hội ta hiện nay. Nó thực sự là những trở lực đối với tổ chức và hoạt động của Đảng, đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là:

Tác động mặt trái và sự nảy sinh không tránh khỏi những hệ lụy xã hội của kinh tế thị trường, nó tiềm tàng, tiềm ẩn những phá hoại về đạo đức, gây ra những tổn thương về tinh thần của xã hội, thậm chí dẫn tới phản văn hóa, phản phát triển. Nếu không vượt qua được sẽ phải trả giá rất đau đớn. Đó là sức mạnh của đồng tiền, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, lối sống vụ lợi, vị kỷ, thực dụng đến tàn nhẫn, hủy hoại nhân tính, kích thích bản năng, thú tính. Đó còn là những cám dỗ của danh và lợi, của quyền và tiền, làm hiện hình ngày càng rõ tham nhũng trong chính sách, trong chính trị chứ không dừng lại tham nhũng trong kinh tế.

Trong xã hội đang diễn ra không ít tội ác, tội phạm và tệ nạn. Nó thâm nhập vào trong Đảng, trong Nhà nước, trong mọi quan hệ xã hội. Thói đạo đức giả, chủ nghĩa cơ hội, sự liên minh bất chính, bất minh giữa các nhóm lợi ích, hình thành từ một số cán bộ có chức quyền thoái hóa với “các đại gia” làm giàu phi pháp, bất chính, tạo ra sự giàu có bởi bất liêm đang làm tổn hại tới lợi ích của người dân, của xã hội. Nó đối lập với đạo đức, lương tâm, danh dự, liêm sỉ, nó thách thức dư luận xã hội và cản trở việc xây dựng Đảng về đạo đức.

Mặt trái của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội mà chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý. Nó từng giờ, từng ngày đầu độc, làm ô nhiễm môi trường tinh thần, đạo đức và thẩm lậu rất tinh vi tới sự chệch hướng, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, phá hoại không chỉ đạo đức và xây dựng đạo đức trong Đảng mà còn làm suy yếu chính trị, gây chia rẽ mất đoàn kết, phân ly tư tưởng, niềm tin trong Đảng, làm suy giảm sinh khí, bản lĩnh chính trị ngay trong Đảng và trong cán bộ, đảng viên.

Vấn đề đạo đức cầm quyền, đạo đức trong Đảng cầm quyền luôn chứa đựng những tình huống nhưng chưa được nhìn nhận, nghiên cứu thấu đáo để có những cảnh báo kịp thời, cần thiết, để rút ra bài học về “cách mạng phải có sức mạnh tự bảo vệ”, để suy ngẫm về tình hình hiện nay của Đảng ta.

Việc xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay của Đảng ta không chỉ chịu những tác động tiêu cực, những khó khăn tác động từ bên ngoài mà nan giải hơn, bắt nguồn từ những khó khăn, trở ngại ngay trong đời sống nội tại của Đảng và trong nước ta nói chung. Đó là: 

Những biểu hiện mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội vụ lợi và suy đồi; các tiêu cực trong bộ máy từ việc đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ, lợi dụng quy trình, dùng quy trình làm lá chắn để hợp thức hóa việc sử dụng người nhà, thân quen, làm gay gắt thêm tình trạng “chạy chức, chạy quyền”,... đã làm suy giảm trầm trọng niềm tin của nhân dân, gây phản cảm, bất bình trong xã hội.

Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng cán bộ không tương xứng với nhiệm vụ, tự phê bình và phê bình rơi vào hình thức... Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã, đang và sẽ có không ít khó khăn, thách thức, thậm chí thực hiện một cách hình thức, rất có thể lại bị hình thức hóa, vượt qua tình huống này (dù đã nhận thấy trước) là không đơn giản, từ cấp ủy tới đảng viên, từ đảng viên tới người dân.

Bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc. Tình huống bất bình thường về hiệu lực, hiệu quả của bộ máy ngày càng rõ ở không ít nơi.

Tóm lại, để đẩy mạnh thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức cần phải nhận rõ những trở lực và rào cản để huy động mọi nỗ lực vượt qua.

Giải pháp cốt yếu góp phần xây dựng Đảng về đạo đức

Một là, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, mạnh mẽ việc sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức đúng với tinh thần chỉnh đốn Đảng, như chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, Hồ Chí Minh, loại bỏ ra khỏi Đảng những “sâu mọt” đang phá hoại sinh lực, uy tín, thanh danh của Đảng, đang xa lạ với Đảng, với dân.

Hai là, giáo dục đạo đức, liêm sỉ, danh dự, nhân phẩm trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức từ cơ sở tới Trung ương, ý thức về sự xấu hổ, về nỗi nhục khi rơi vào tham lam, tham nhũng, tội lỗi.

Ba là, trừng trị tham nhũng như trừng trị một tội ác.

Bốn là, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh bằng đạo đức và văn hóa. Đề cao tiếng nói và việc làm của nhân dân trong xây dựng Đảng.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết