20/01/2008 - 09:06

Kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

Những đặc sắc của cuộc tiến công đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968

Cuộc tiến công đồng loạt Tết Mậu Thân (1968) diễn ra cách đây 40 năm. Với độ lùi của thời gian, chúng ta có điều kiện để xem xét những đặc sắc của cuộc tiến công chiến lược này.

Trước hết, đây là một hình thức tiến công đồng loạt mang tầm vóc chiến lược, đưa chiến tranh quy mô lớn vào 41 thành phố, thị xã ở miền Nam, tạo ra hiệu lực cộng hưởng đánh mạnh vào ý chí của đối phương. Đây là một hình thức tiến công chiến lược chưa từng xuất hiện trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.

Đây là một  sáng tạo độc đáo về nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt  Nam. Nó chứng minh rằng: Có sự lãnh đạo thống nhất trên cả nước của một Đảng, với một tầm cao trí tuệ trong chỉ đạo chiến lược, có lực lượng vũ trang cách mạng với kỷ luật nghiêm, dựa vào sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, Việt Nam đã tạo ra được một sức mạnh tiến công đồng loạt tạo ra hiệu lực chiến lược cực kỳ to lớn.

Hướng tiến công chủ yếu là nhằm vào kẻ địch ở các thành thị, chứng tỏ chiến tranh nhân dân Việt Nam không phải chỉ mạnh ở nông thôn và rừng núi mà khi cần còn đưa chiến tranh quy mô lớn vào thành thị, làm đảo lộn thế chiến lược của quân Mỹ.

Về thời cơ tiến công, nó nổ ra đúng vào dịp Tết và nhất là vào năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà tình hình chính trị nước Mỹ rất nhạy cảm; nên cuộc tiến công vừa lợi dụng được sơ hở của đối phương, vừa tác động mạnh mẽ tới nước Mỹ, làm “rung chuyển nước Mỹ” như báo chí Mỹ lúc đó đã nhận xét chính xác.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thường cứ bốn năm ta đánh lớn một lần: 1964, 1968, 1972... Tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị Đảng ta xem xét cả thực tế chiến tranh Việt Nam và thực tế tình hình nước Mỹ, cả về quân sự và chính trị, nên có bước đi sáng tạo và sớm có sự chuẩn bị về chiến lược.

Cuộc tiến công Tết Mậu Thân không sớm, không muộn. Nếu sớm vào năm 1967 thì Mỹ mới triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ được 2 năm, chưa đến đỉnh cao, tướng Westmoreland còn có cớ đòi thêm thời gian để thi thố tài năng. Nếu muộn, là năm 1969, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ qua đi, khó mà tạo được áp lực chính trị  mạnh ở nước Mỹ.

Cuộc tiến công (1968) nổ ra đúng thời cơ chiến lược cả về quân sự và chính trị, khi Mỹ đã thực hiện chiến tranh cục bộ đến đỉnh cao. Mỹ không bao giờ chịu thua non. Đã thua về chiến lược trong một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất của Hoa Kỳ là thua về quân sự có tính quyết định. Đã thua về chiến lược quân sự thì không thể cứu vãn thất bại như thua một trận đánh, một chiến dịch, mà phải thay đổi chiến lược, với lực lượng lớn hơn, với thời gian lâu dài hơn mới hòng cứu vãn được thất bại.

Với cả ba yếu tố: Hình thức tiến công hoàn toàn mới, hướng tiến công chủ yếu mới, thời cơ tiến công đúng, có sự chuẩn bị từ trước, mà vẫn giữ được bí mật, nên Cuộc tiến công Tết Mậu Thân (1968) đã làm cho Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ, mặc dù Mỹ đã có lực lượng tình báo đồ sộ, có bộ máy tay sai rất đông.

Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn về chiến lược, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đạt được mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến đấu là buộc Mỹ phải rút quân.

Ngay từ khi quân viễn chinh Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam Việt Nam, Đảng ta đã cho rằng Việt Nam là một nước nhỏ không thể tiêu diệt được hết đội quân viễn chinh Mỹ, mà chỉ có thể đánh cho Mỹ cút; vì vậy phải sáng tạo ra cách đánh của Việt Nam, để nhỏ có thể thắng lớn.

Vào tháng 12-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua lần cuối quyết tâm chiến lược về Cuộc tiến công Tết Mậu Thân. Đầu năm 1968, Người đã chúc quân và dân ta: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà”. Đầu năm 1969, Người kêu gọi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Diễn biến trên chiến trường Việt Nam và chính trường nước Mỹ đã chứng minh sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo và sắc bén.

Ngày 25 và 26-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã phải mời 16 nhà chiến lược “khôn ngoan nhất” của nước Mỹ đến Nhà Trắng để tham khảo ý kiến về điều hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau Tết Mậu Thân.

11/16 nhà chiến lược, phần lớn là “diều hâu”, cho rằng: Đã đưa cho tướng Westmoreland gần 50 vạn quân đánh nhau ba năm liền, rùm beng rằng Mỹ đã “chiến thắng trong tầm tay”, sắp có thể rút dần quân Mỹ, nhưng sự thật là sứ quán của Mỹ ở Sài Gòn cũng không bảo vệ nổi. Nay lại đòi tăng thêm 20 vạn quân Mỹ - thành 70 vạn quân - gấp đôi số quân trong chiến tranh Triều Tiên, thế thì đến bao giờ mới đưa được quân Mỹ về. Nên thôi đi, không tăng quân nữa, phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh.

Tổng thống Johnson ngày 31-3-1968 đã tuyên bố: Đơn phương ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán ở Pa-ri, không ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2.

Bộ trưởng Quốc phòng McNamara trước khi rời nhiệm sở đã thừa nhận với Johnson rằng: “Mỹ không thể đạt được ở Việt Nam bằng bất cứ giải pháp quân sự nào, vì thế chúng ta phải tìm kiếm một mục tiêu chính trị nhỏ bé cho Hoa Kỳ qua đàm phán”. Cli-phớt thay McNamara , là người trước đó đã hết lòng ủng hộ cuộc chiến tranh, nay cũng đã thay đổi thái độ, muốn chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về.

Rõ ràng không phải Cuộc tiến công Tết Mậu Thân chỉ thắng về tâm lý, vì rằng những nhà chiến lược tài giỏi đã từng trải của nước Mỹ đâu có phải là những người nhẹ dạ dễ bị lung lay về tâm lý. J.Pim-lốt mô tả rằng: “Johnson cho đắp một sa bàn Khe Sanh ngay tại Nhà trắng để hằng ngày ngồi hàng giờ suy nghĩ, trao đổi với các cố vấn quân sự, chờ đón một Điện Biên Phủ ở Khe Sanh. Nhưng Khe Sanh lại chỉ là một hướng để Việt cộng phân tán quân Mỹ và nghi binh, rồi bất ngờ đưa cuộc tiến công quy mô lớn vào hầu hết các thành thị. Tháng 6-1968, Mỹ rút khỏi Khe Sanh, không đầy ba tháng sau khi nó trở thành trung tâm chú ý và hy vọng của người Mỹ, đã nói lên - “tính phi lý của cuộc chiến tranh”.

Cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 đồng loạt đánh vào 41 thành phố và thị xã trên toàn miền Nam đã trở thành một Điện Biên Phủ kiểu mới, đánh bại ý chí của Mỹ muốn giành chiến thắng quân sự ở Việt Nam. McNamara đã thừa nhận: “Từ sau Tết Mậu Thân không một ai trong giới cầm quyền và giới quân sự Mỹ nói tới giành chiến thắng quân sự mà chỉ là “hòa bình trong danh dự””.

Thắng lợi quyết định của Cuộc tiến công Tết Mậu Thân đã biến thành sự thật biến đổi trên chiến trường. Nixon tuy rất “diều hâu” nhưng đã phải bắt đầu rút quân Mỹ: Năm 1969, rút 6 vạn; năm 1970: 18 vạn; năm 1971: 13 vạn... Việt Nam tuy có khuyết điểm là kéo dài cuộc tiến công vào thành thị nên bị tổn thất nặng nề nhưng Mỹ vẫn không thể nào đảo ngược được tình thế, so sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi lớn có lợi cho ta vì Mỹ đã phải rút 37 vạn quân.

Larry Berman - nhà sử học Mỹ đã viết trong sách: “Không hòa bình, chẳng danh dự” - xuất bản ở New York năm 2001: “Việt Nam hóa chiến tranh đối với người Mỹ là một mật hiệu đơn giản của việc rút quân của Hoa Kỳ. Còn Sài Gòn thì coi đó là sự bỏ rơi”. Ngày 17-2-1971, Nixon tuyên bố: “Sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam đang đi đến giai đoạn chấm dứt”.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1968 còn là cuộc biểu dương sức mạnh chiến đấu của quân và dân Việt  Nam sau ba năm đọ sức với quân Mỹ. Đây không phải là cuộc tập kích bằng pháo binh, hay chỉ có đặc công biệt động đánh rồi rút mà có nhiều đơn vị chủ lực tiến công liên tục vào Sài Gòn, Huế, giữ Huế trong 24 ngày. Tướng Westmoreland đòi tăng gấp 20 vạn quân Mỹ nữa mới tránh khỏi thất bại quân sự.

Trong chiến tranh, khi xem xét về chiến lược thì trước hết phải nắm vững tiêu chí hàng đầu là bên nào đã đạt được mục tiêu của chiến lược. Rõ ràng Việt Nam đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất là đánh bại ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh, buộc Mỹ phải bắt đầu rút quân về.

Cuộc tiến công Tết Mậu Thân đi vào lịch sử là một sáng tạo độc đáo của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam thể hiện một đỉnh cao ý chí và trí tuệ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh nhỏ thắng lớn.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quân và dân ta đã đánh thắng oanh liệt một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất của một tên đế quốc lớn nhất trong thế kỷ thứ 20.

Trung tướng, Phó Giáo sư NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC
(Theo Báo Nhân Dân)

Chia sẻ bài viết