29/10/2017 - 08:52

Madrid giải thể chính quyền tự trị Catalonia

Nhiều nước đứng về phía Tây Ban Nha 

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 28-10 chính thức bãi nhiệm Thủ hiến Carles Puigdemont, giải tán nghị viện Catalonia và kêu gọi bầu cử địa phương. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi vùng tự trị giàu có ở khu vực Đông Bắc Tây Ban Nha tuyên bố độc lập trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất quốc gia Nam Âu kể từ khi nền dân chủ được thiết lập 40 năm qua.

Lực lượng ủng hộ độc lập đứng bên ngoài tòa nhà chính quyền Catalonia hôm 27-10. Ảnh: Getty Images

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết chính quyền trung ương Madrid đã bãi nhiệm nhà lãnh đạo Puigdemont cùng các đại diện ngoại giao của chính quyền Catalonia ở Madrid và Brussels. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Catalonia Josep Llus Trapero cũng bị sa thải với cáo buộc “nổi loạn”. Ông Rajoy cho biết các bộ của chính phủ trung ương sẽ tiếp quản chính quyền Catalonia, kèm theo đó là thông báo cuộc bầu cử mới ở địa phương sẽ được tổ chức vào ngày 21-12 tới để “khôi phục trạng thái bình thường”.  “Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn. Chúng tôi tin rằng việc làm cấp thiết hiện nay là lắng nghe người dân Catalonia, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể thay họ hành động trái quy định” – Reuters trích lời Thủ tướng Rajoy.

Tuyên bố trên đưa ra sau khi Thượng viện Tây Ban Nha ở Madrid tiến hành bỏ phiếu tước quyền tự trị của Catalonia và áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương giữa lúc nghị viện Catalonia biểu quyết và đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Tây Ban Nha. Tuyên bố trên đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo châu Âu về nguy cơ cuộc khủng hoảng Catalonia có thể thổi bùng tư tưởng ly khai khắp châu lục.

Phản ứng trước diễn biến trên, các đồng minh châu Âu của Tây Ban Nha gồm Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng loạt lên tiếng bác bỏ tuyên bố độc lập của vùng Catalonia đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ đối với nỗ lực của chính quyền Madrid duy trì sự thống nhất quốc gia. Trong một thông báo, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khối này ủng hộ lập trường của Madrid, rằng cuộc trưng cầu dân ý của Catalonia là bất hợp pháp. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk còn khẳng định không có gì thay đổi sau cuộc bỏ phiếu và EU sẽ chỉ làm việc với đối tác duy nhất là chính quyền Madrid. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này coi Catalonia là “một phần của Tây Ban Nha” và ủng hộ các biện pháp của Madrid để duy trì thể chế mạnh mẽ và thống nhất. 

Cuộc khủng hoảng leo thang nguy hiểm

Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng nhất của Tây Ban Nha với mức độ tự trị cao. Khu vực này chiếm 16% dân số (7,5 triệu người) và đóng góp khoảng 1/5 vào nền kinh tế quốc gia Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây cảm thấy họ góp quá nhiều cho Madrid so với những gì được nhận. Cùng với bất mãn về cắt giảm chi tiêu công, những bất bình lịch sử chưa được xóa bỏ về giai đoạn bị đàn áp dưới chế độ độc tài của Tướng Franco từ 1939-1975 cũng là nguyên nhân khiến một bộ phận người dân Catalonia muốn ly khai. Hồi đầu tháng này, vùng tự trị này đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về độc lập mà theo chính quyền trung ương là bất hợp pháp. Cuộc trưng cầu chỉ thu hút 43% cử tri đi bầu sau chiến dịch tẩy chay của phần lớn những người Catalonia không ủng hộ tuyên bố độc lập.

Giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng ở Catalonia đang leo thang đến cấp độ nguy hiểm mới. Việc chính quyền Madrid tổ chức bầu cử mới chưa hẳn giải quyết tốt cuộc khủng hoảng bởi nó có thể làm tăng số lượng người ủng hộ độc lập trong nghị viện. Những biện pháp của Thủ tướng Rajoy cũng chưa rõ sẽ thực thi ra sao trước phản ứng của giới công chức và lực lượng cảnh sát Catalonia.

Hiện tại, phe ủng hộ độc lập đang kêu gọi các công chức và những nhà hoạt động triển khai chiến dịch bất tuân dân sự cùng “kháng cự ôn hòa” để phản đối chỉ đạo từ chính phủ trung ương. Theo hãng tin AP, hiện có khoảng 200.000 công chức ở Catalonia tuyên bố họ sẽ từ chối chấp nhận mệnh lệnh của chính quyền Madrid. Trong khi đó, cảnh sát Catalonia cũng đang bị chia rẽ sâu sắc giữa hai quan điểm ủng hộ và chống độc lập. Ông Puigdemont và 12 thành viên chính quyền Catalonia sẽ bắt đầu không được trả lương và có thể bị truy tố tội phản loạn nếu không tuân thủ mệnh lệnh từ Madrid.

Ngoài ảnh hưởng chính trị, cuộc khủng hoảng Catalonia đang khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ khu vực này. Ngân hàng JP Morgan gần đây cũng giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha trong quý 4 năm 2017 và đầu năm 2018 xuống dưới mức 3,5%.

MAI QUYÊN (Theo BBC, AP) 

Chia sẻ bài viết