14/01/2015 - 09:43

Nguyện là “đầy tớ trung thành” của nhân dân

"Ba tôi luôn treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà và thường lấy tấm gương của Bác ra giáo dục con cháu. Vì vậy tôi sớm được tiếp cận những quyển sách viết về cuộc đời sự nghiệp của Người, đặc biệt là Di chúc của Bác" - Anh Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền kể điều đó như muốn lý giải vì sao tấm gương của Bác lại có ảnh hưởng đến tư tưởng, công việc của anh nhiều như vậy. Vì vậy, trong quá trình công tác, anh càng gương mẫu, quyết tâm cùng cán bộ, đảng viên, nhân dân xã thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Những ngày cuối năm 2014, cùng anh Sử - khi ấy còn là Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới - tham quan một vòng quanh xã, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường bê tông rộng mở, khang trang nối liền các xóm ấp, hai bên đều có hàng rào cây canh, cột cờ, hoa kiểng. Khi chúng tôi dừng chân tại tuyến đầu cầu Đoàn - đường Tân Thới - Trường Thành (ấp Trường Trung A) đã được mở rộng, bơm cát bằng phẳng, chuẩn bị tráng bê tông, nhiều người nhận ra ngay "Bí thư Sử". Một số người tỏ ra phấn chấn nói nhất định năm nay phải ăn Tết lớn vì trước nhà mình có con đường rộng rãi, đẹp nhất từ trước đến nay. Cách trung tâm xã không xa, nhưng trước đây tuyến lộ này nhỏ hẹp, đất đá lởm chởm. Hai bên lộ lại đều là mương, mùa mưa lầy lội, học sinh đến trường bị trượt té xuống mương hoài nên nhiều người không khỏi lo lắng. Chị Phan Thị Thúy Oanh, một người dân cố cựu ở đây, vui vẻ bộc bạch: "Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, nghe bà con kiến nghị tuyến đường này nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, năm 2014, chính quyền địa phương triển khai nâng cấp, mở rộng đường. "Bí thư Sử" cùng với cán bộ ấp đi vận động dân hiến đất, hoa màu, lại lo vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền làm đường. Những ngày thi công, "Bí thư Sử" bám công trình, chỉ đạo lực lượng quân sự, đoàn thanh niên và anh em thợ làm quyết liệt để công trình sớm hoàn thành".

Anh Nguyễn Văn Sử (bìa phải) thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe ý kiến của cán bộ ấp và bà con, giúp các chi bộ xây dựng nghị quyết hàng tháng sát tình hình thực tế. Ảnh: H.T

Từ năm 2013, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền, anh Nguyễn Văn Sử được điều động, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới. Nhận thấy nhiều tuyến đường ở các ấp còn nhỏ hẹp, xuống cấp, anh cùng Đảng ủy bàn bạc, đưa ra chủ trương nâng cấp các tuyến lộ nhánh. Một mặt anh vừa lo họp dân triển khai, để bà con thống nhất hiến đất, hoa màu và cùng góp sức làm đường; một mặt lo vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền làm đường. Từ đó, nhiều tuyến lộ tại ấp Tân Long B, ấp Tân Nhơn; Trường Đông B... đã được xây khang trang.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, Nguyễn Văn Sử tham gia công tác tại xã Trường Long từ năm 21 tuổi. Với tinh thần không ngại khó, xốc vác, năng động của tuổi trẻ, Sử trở thành Bí thư xã Đoàn Trường Long rồi đến Phó Bí thư Huyện đoàn Châu Thành A, Bí thư huyện Đoàn Phong Điền. Hơn 10 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thủ lĩnh Đoàn nhảy ùm xuống sông, lặn từng thùng đất chuyền lên bờ để mọi người đắp lộ. Việc làm đó khiến các đoàn viên thanh niên trong xã càng hăng hái tình nguyện giúp dân. Hoặc ở thời điểm năm 2004, khi Thành đoàn Cần Thơ phát động phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho đoàn viên, anh Sử đã ngược xuôi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, cùng đoàn viên góp công xây nhà tình thương tặng đoàn viên nghèo. Đây cũng chính là căn nhà tình thương đầu tiên của đoàn bộ TP Cần Thơ.

Nhớ lời Bác dạy, ở cương vị công tác nào, từ cán bộ Đoàn, Chánh Văn phòng Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện..., anh Sử cũng luôn gắn bó với cơ sở và thể hiện trách nhiệm là "công bộc" của nhân dân. Hơn 1 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới, anh tập trung chỉ đạo đổi mới phong cách, lề lối làm việc, xây dựng qui chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể; lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả và luôn quan tâm công tác đào tạo cán bộ. Anh bộc bạch: "Chuyện của cả một xã thì đâu thể giải quyết gói gọn trong giờ hành chính. Phải chuyện dân cần thì dù ở trên đồng ruộng, bờ đê...mình cũng có thể trao đổi, bàn bạc được". Cũng vì thế mà anh năng đi cơ sở, dự họp lệ cùng các chi bộ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và bà con. Từ đó, giúp các chi bộ xây dựng nghị quyết hàng tháng sát tình hình và kịp thời đề xuất với Đảng ủy, các bộ phận liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn. Anh Đồng Ngọc Phước, Bí thư Chi bộ ấp Trường Trung A, cho biết: " Khi dự họp với chi bộ, những ý kiến trái ngược nhau được đồng chí Sử đem ra bàn bạc, phân tích thấu đáo, để đi đến thống nhất. Đồng chí luôn nhắc nhở mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của nhân dân đều phải đưa ra cho nhân dân đóng góp". Với sự nỗ lực, quyết tâm của anh và các cấp ủy Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là các chi bộ và đoàn thể từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, phát huy được vai trò hạt nhân đoàn kết, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào tại địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tính đến cuối năm 2014, toàn xã có 38 hộ thoát nghèo, giảm 1,11% so với đầu năm.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này cũng là thời điểm đồng chí Nguyễn Văn Sử đảm nhận nhiệm vụ mới: Phó Chủ tịch UBND huyện. Anh tâm sự: "Là đảng viên, tôi nguyện suốt đời học tập, noi theo tấm gương cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư của Bác, "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân" như lời Bác dặn dò trong Di chúc".

Kỳ Thư

Chia sẻ bài viết