20/01/2008 - 09:44

Người ở "307" trong Tết Mậu Thân

Quanh co theo lối đi tráng bê tông của hẻm 311 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), tôi đã đến nhà ông - người từng trực tiếp tham gia những trận đánh vào tận hang ổ kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ. Nếu không gặp và nghe ông kể chuyện, khó mà biết được ông - soạn giả ca cổ Nguyễn Quang - 40 năm trước là Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 307 vang danh “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Ông Nguyễn Quang có vóc người tầm thước, gương mặt hiền lành. Năm nay tuổi đã sáu mươi ngoài, nhưng trông ông hãy còn trẻ trung, tráng kiện. Khi nghe tôi hỏi về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ, ông không giấu được xúc động.

 

Ông bồi hồi kể lại: Đêm mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, vào lúc 3 giờ, tôi và 16 chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 307 đánh vào Đài phát thanh Cần Thơ... Các anh đã phối hợp với tổ Biệt động thành gồm có 5 chiến sĩ do đồng chí Tâm chỉ huy, dẫn đường, tiến đánh thần tốc, dũng mãnh và chiếm lĩnh trận địa đài phát thanh của địch suốt 2 ngày 3 đêm. Những ngày sau, địch phản kích ác liệt, các chiến sĩ rút về lập tổ chiến đấu tại chùa Cao Đài Chiếu Minh (gần đài phát thanh). Nguyễn Quang và một số đồng chí cố thủ trên gác lầu của chùa. Các chiến sĩ ta đã bắn cháy một xe nồi đồng và tiêu diệt nhiều tên địch phản kích xông vào.

Thất bại trong tiến công, địch gọi trực thăng vũ trang “cá lẹp” (Croba: hổ mang chúa) đến phóng rốc-két dữ dội. Các chiến sĩ ta vẫn ngoan cường chiến đấu giữ vững trận địa. Các vị tu hành trong chùa Chiếu Minh đã nhiệt tình lo cơm nước cho các anh. Về sau, do tương quan lực lượng chênh lệch lớn và bất lợi, nên đơn vị của Nguyễn Quang đã được lệnh rút ra ngoại ô và chiến đấu giằng co ác liệt với địch nhiều ngày ở khu vực vành đai thành phố.

Lúc bấy giờ, cán bộ, đồng bào ở các xã vùng ven như: An Bình, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân, Trà Nóc, Thới An Đông đã phối hợp chiến đấu và hết lòng phục vụ hậu cần cho chiến dịch. Xã Long Tuyền (thuộc quận Bình Thủy ngày nay) gồm các phường Long Hòa, Long Tuyền, Bình Thủy, An Thới đã huy động trên 130 tấn lúa và cung cấp hàng trăm lượt dân công hỏa tuyến cho mặt trận.

Ông Nguyễn Quang còn kể cho tôi nghe một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên: Trước Tổng tiến công, đơn vị ông đóng ở rạch Ông Kinh (Long Tuyền). Có một cơ sở hoạt động bí mật của ta ở khu vực Bình Thủy, Trà Nóc do mẹ con cô Út phụ trách. Cô Út hồi đó mới 17 tuổi, tóc dài ngang lưng rất đẹp. Nhà cô ở chợ Bình Thủy, là học sinh cấp II lúc bấy giờ. Mỗi lần vào vùng giải phóng đưa tin, cô đi bằng vỏ lãi với máy đuôi tôm, mật hiệu để báo tin là ba tiếng kêu giả chim bìm bịp gọi nước lớn “Uc... ùng ...ục...”. Ngoài những tin tức bí mật về tình hình của địch, mẹ con cô Út còn đem vào cho các chiến sĩ ta rất nhiều món quà quý như: thuốc thơm, trà, bánh tây, thịt heo quay... để các anh bồi dưỡng.

Chuyện chiến sĩ 307 đánh sân bay...

Trước Tết Mậu Thân 1968 một khoảng thời gian, Nguyễn Quang đã cùng tổ chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 307 bí mật xâm nhập vào phi trường Trà Nóc để điều nghiên cách đánh.

Các anh đã vẽ sơ đồ phòng thủ của sân bay và “sờ” được vào từng chiếc máy bay của địch để xác định chủng loại và số lượng. “Đầu tiên, chúng tôi luồn giữa hai toán phòng vệ dân sự ở vành đai ngoài. Sau đó vượt qua bốn lớp hàng rào dây thép gai và gặp một vọng gác của lính quốc gia. Chúng tôi tránh nó và trèo qua một bức tường gạch cao cỡ 1 mét rưỡi để vào vòng trong. Cuối cùng, sau khi vượt qua mười bốn lớp hàng rào dầy đặc “chó chui không lọt”, chúng tôi đến được đường băng, nơi chỉ có quân Mỹ trú đóng...”. Câu chuyện thật ly kỳ do chính người trong cuộc kể lại! Ông Nguyễn Quang nói, lúc đó các chiến sĩ ta bình tĩnh lạ thường, mà đến bây giờ, khi nhớ lại ông còn nghe nao nao một cảm giác rất khó tả!

Ngày 7 tháng 2 năm 1968 , Tiểu đoàn 307 phối hợp với du kích An Bình tiến công sân bay Lộ Tẻ (phi trường 31), phá hủy 45 máy bay các loại, diệt và làm bị thương 200 tên Mỹ ngụy. Sau đó, sân bay Trà Nóc cũng bị ta tiến công tiêu diệt nhiều máy bay địch. Nguyễn Quang đã vinh dự có mặt trong trận đánh quyết liệt và lịch sử ấy của Tiểu đoàn 307 anh hùng.

Nguyễn Quang cho biết quê hương ông ở tận Đất Mũi xa xôi, xã Tân Ân (Rạch Gốc), huyện Ngọc Hiển, nơi có bến đỗ của những con tàu không số huyền thoại. Ông đi theo cách mạng lúc mười sáu tuổi. Sau ngày hòa bình, ông rời quân đội, chuyển ngành với quân hàm trung tá lục quân, đã kinh qua nhiều chức vụ, chức trách ở một số cơ quan nhà nước của tỉnh Cần Thơ trước đây. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều danh hiệu khác...

Cần Thơ là quê hương thứ hai của Nguyễn Quang, đã trở thành máu thịt của chàng thanh niên, anh bộ đội 307 năm xưa. Niềm vui của ông bây giờ là cảm hứng sáng tác ca cổ, viết hồi ký và làm... thơ! Ông đã có hai đầu tác phẩm xuất bản, một số tác phẩm đã được phổ biến đến bạn nghe, xem đài trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình. “Đất Phương Nam” là tập ca cổ có nhiều bài khá hay của Nguyễn Quang. Ông hiện là hội viên của Hội Sân khấu thành phố Cần Thơ.

...Thoắt mà đã bốn mươi năm!

Sau ngày hòa bình, Nguyễn Quang và một số anh em có về Bình Thủy tìm mẹ con cô Út, nhưng họ đã dời chỗ ở đi nơi khác mà không ai biết họ đi đâu. Tình nghĩa quân dân trong chiến đấu thật cao cả, thiêng liêng! Sau này nhớ đến mẹ con cô Út, ông có viết một bài ca cổ tựa đề “Người con gái Bình Thủy” đã có phát sóng trên một số đài phát thanh và truyền hình.

Những câu chuyện về mùa xuân khói lửa năm xưa và những trận đánh mà ông Nguyễn Quang, nguyên Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 307, cũng như một số chứng nhân lịch sử ngày ấy còn sống kể lại, khiến cho người nghe hình dung, mường tượng lại cảnh chiến trường ác liệt trên đất Cần Thơ Xuân Mậu Thân năm 1968. Và không phải ngẫu nhiên mà hôm nay chúng ta được hưởng hòa bình, độc lập, thống nhất! ... Những hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước, đời đời trở thành biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống mãi với những mùa xuân trên quê hương đất nước.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết