20/02/2008 - 23:26

Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam (kỳ 1)

Ngày 28-1-2008, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW - Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.


Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội.

Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp.

Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

I- TÌNH HÌNH GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM ĐỔI MỚI VỪA QUA

Qua hơn 20 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; có nhiều cố gắng để phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp to lớn vào quá trình phát triển của đất nước, cùng với các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội khác, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc làm và đời sống của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống. Một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường. Địa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ. Giai cấp công nhân còn hạn chế về phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp. Một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội. Nhìn tổng quát, lợi ích một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tình hình trên bắt nguồn từ các nguyên nhân : Quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới trong sự phát triển của giai cấp công nhân; tuy nhiên những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống và tư tưởng, tình cảm của công nhân. Đảng có chú trọng xây dựng giai cấp công nhân; nhưng quan tâm chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật xây dựng giai cấp công nhân; nhưng những chính sách, pháp luật này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng giai cấp công nhân; nhưng hiệu quả chưa cao, còn nhiều yếu kém. Bản thân giai cấp công nhân đã có nhiều nỗ lực vươn lên; nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế đóng góp tích cực vào tạo việc làm và thu nhập cho công nhân; nhưng không ít trường hợp còn vi phạm chính sách, pháp luật đối với người lao động.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

A- Quan điểm chỉ đạo trong xây dựng giai cấp công nhân

1- Kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2- Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tất cả các giai cấp, các tầng lớp xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước, đồng thời tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác quốc tế với giai cấp công nhân trên toàn thế giới.

3- Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.

4- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân.

5- Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong giai cấp công nhân vững mạnh.

B- Mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân đến năm 2020 là :

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết, hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói chung, trong các doanh nghiệp đều có tổ chức cơ sở đảng, công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; ngày càng được trí thức hóa: có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao.

Từ nay đến hết năm 2010 phải phấn đấu quyết liệt để đạt được sự chuyển biến tối đa về các mặt sau đây :

1- Hình thành và triển khai thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2- Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ...) tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp công nhân. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.

3- Có bước tiến về đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước, nhất là những ngành công nghiệp mới. Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo; chú trọng đào tạo nghề cho công nhân từ nông dân và nữ công nhân.

4- Nâng cao hơn về giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, xây dựng lối sống lành mạnh trong công nhân, nhất là công nhân trẻ.

5- Tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Tăng số lượng và chất lượng cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp; sớm thành lập tổ chức cơ sở đảng ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng tại doanh nghiệp phù hợp với từng thành phần kinh tế.

6- Đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các loại hình doanh nghiệp. Củng cố, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đã có; sớm thành lập tổ chức cơ sở tại các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ của các tổ chức đó; tăng số lượng và chất lượng của các tổ chức cơ sở này tại các loại hình doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân.

C- Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

1- Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế

Đổi mới tổ chức, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân, hướng vào giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra: về xu hướng phát triển của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về vấn đề trí thức hóa giai cấp công nhân; về công nhân tham gia sở hữu doanh nghiệp; về mối quan hệ giữa giai cấp công nhân với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, đặc biệt là trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; về sự phân hóa và mối quan hệ trong nội bộ giai cấp công nhân; về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ mới; về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp; về vai trò làm chủ của giai cấp công nhân, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; về mối quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân các nước trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; về những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” và tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch đối với giai cấp công nhân;... Qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân phát triển toàn diện trong thời kỳ mới.

2- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân từ nông dân, công nhân nữ, nhằm phát triển về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, để nước ta có một đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những nhà kinh doanh có tài, có đức, các nhà quản lý giỏi và các cán bộ khoa học - kỹ thuật xuất thân từ công nhân có trình độ cao, có khả năng tiếp cận với công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại trong nền kinh tế thị trường, hội nhập. Quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới, hiện đại. Chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân trong các dân tộc thiểu số, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Có chính sách để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các cơ sở đào tạo nghề với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Có chính sách khuyến khích liên kết các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trong đào tạo, đào tạo lại.

Trước mắt, cần tập trung bổ sung, sửa đổi, xây dựng một số chính sách lớn sau đây :

- Xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách hướng nghiệp ở cấp học phổ thông để giúp cho thanh niên, học sinh định hướng đúng đắn việc chọn nghề và hiểu rõ được ý nghĩa của việc gia nhập đội ngũ công nhân; tạo điều kiện phát triển đội ngũ công nhân trẻ có trình độ cao, chuyển một bộ phận lớn nông dân thành công nhân.

- Nhà nước xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển dạy nghề một cách đồng bộ, đổi mới hệ thống dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo sự cân đối ngay trong hệ thống giáo dục - đào tạo, giữa hệ thống giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế, giữa đào tạo và sử dụng, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động theo ngành nghề, cấp trình độ.

- Ban hành chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với hoạt động đào tạo nghề, thu hút mạnh hơn các thành phần kinh tế tích cực tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề, bao gồm cả ở trình độ cao. Từng bước thực hiện đổi mới chi ngân sách cho dạy nghề theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu đối với các cơ sở dạy nghề của các thành phần kinh tế; đồng thời thực hiện tốt hơn cơ chế kiểm định, đánh giá chất lượng dạy nghề.

- Bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ. Xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về giai cấp công nhân và với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Đưa vào chương trình đào tạo nghề nội dung học tập pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp,...

- Điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề gắn với các ngành, các chương trình, dự án lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Ngân sách Nhà nước đầu tư tập trung vào dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng miền núi, dân tộc thiểu số và những ngành nghề đặc thù mà các đơn vị ngoài công lập không đầu tư; Nhà nước làm nòng cốt, đồng thời có chính sách để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng trường chuẩn, theo chương trình chuẩn, để đào tạo công nhân có trình độ cao cho một số ngành kinh tế mũi nhọn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Chú trọng đào tạo đồng bộ, cả ở trong và ngoài nước, đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý và những công nhân có trình độ cao, để đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp mới, hiện đại. Củng cố và mở rộng các trường đào tạo giáo viên dạy nghề theo khu vực trên phạm vi cả nước.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hàng năm dành kinh phí thích đáng và thời gian cho đào tạo, đào tạo lại công nhân; được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

- Tăng cường đào tạo đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo có đủ điều kiện về tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động; quy hoạch và phát triển đa dạng các hình thức, các thành phần kinh tế tham gia đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo TTXVN

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết