26/03/2011 - 14:11

NATO tiếp quản "vùng cấm bay" ở Libye trong bất đồng

Máy bay phản lực Rafale của Pháp sẵn sàng cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle ở
Địa Trung Hải. Ảnh: AP

Liên quân Mỹ, Anh và Pháp vẫn tăng cường ném bom và thực thi vùng cấm bay ở Libye, trong khi nhiều bất đồng nội bộ phát sinh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc nước nào sẽ dẫn đầu nỗ lực gây sức ép lên nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi, khi tiếp nhận vai trò chỉ huy chiến dịch.

Thỏa thuận còn nhiều chia rẽ

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tối 24-3 cho biết sau nhiều ngày tranh luận, NATO đã nhất trí đảm nhận vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự nhằm thực hiện vùng cấm bay tại Libye theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và Pháp vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu nhiệm vụ nguy hiểm hơn, đó là đẩy lùi các lực lượng bộ binh trung thành với Đại tá Gadhafi. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) còn kêu gọi các quốc gia A-rập, đặc biệt là Liên đoàn A-rập, đóng một vai trò “tích cực hơn” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi.

Trái với tuyên bố trên, một quan chức cấp cao của Mỹ (giấu tên) lại nói rằng NATO đã đạt được một “thỏa thuận chính trị”, theo đó NATO không chỉ điều hành chiến dịch áp đặt vùng cấm bay mà toàn bộ các hoạt động quân sự chống Libye. Chi tiết cuối cùng để NATO thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ dân Libye sẽ được hoàn tất vào cuối tuần này.

Những phát biểu trái chiều trên cho thấy phương Tây vẫn bất đồng về vai trò chỉ huy các hoạt động quân sự chống Libye. Các quan chức Mỹ cho rằng cấu trúc chỉ huy chia rẽ này sẽ làm nảy sinh nhiều thách thức cho Lầu Năm Góc và chính quyền của Tổng thống Barack Obama nếu không được thống nhất trong vài ngày tới. Vì vậy, theo báo Wall Street Journal của Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đang gấp rút đàm phán toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và các nước khác để đạt được sự nhất trí về việc NATO chỉ huy cả vùng cấm bay và hoạt động tấn công trên mặt đất. Bà Clinton cho biết có nhiều tiến triển đáng kể. Ngày 24-3, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nước phản đối NATO chỉ huy chiến dịch tấn công trên mặt đất tại Libye, đã thông qua việc đưa tàu chiến tham gia chiến dịch thực hiện lệnh cấm vận vũ khí của LHQ chống Libye.

Oanh kích chưa tạo lợi thế trên mặt đất

Từ hôm 24-3, tức ngày thứ sáu của chiến dịch quân sự chống Libye, liên quân đã tăng cường oanh kích, khi máy bay và tàu chiến tăng cường bắn phá các mục tiêu lực lượng vũ trang của ông Gadhafi, trong đó có pháo binh, xe tăng, kho đạn và số nhỏ trực thăng tại một sân bay dọc theo vùng duyên hải. Chiến đấu cơ của Pháp đã bắn hạ một máy bay của Libye mạo hiểm cất cánh gần thành phố Misrata. Quân đội Mỹ cho biết vùng cấm bay hiện mở rộng khắp duyên hải Libye và trải dài xuống phía Nam tới Sabha, cách Thủ đô Tripoli 772 km. Tuy nhiên, các cuộc oanh kích không nới lỏng được “gọng kìm” kiểm soát của lực lượng thân ông Gadhafi tại thành phố Misrata ở phía Tây. Các cuộc không kích đã làm chậm lại cuộc tấn công của các lực lượng thân ông Gadhafi ở Misrata, nhưng họ vẫn chiếm giữ nhiều vị trí trọng yếu ở phía Đông, Tây và Nam thành phố, cũng như kiểm soát những con đường chính và có nhiều tay súng bắn tỉa trên các tòa nhà trong thành phố. Tình hình giằng co khiến nhiều người dân ở đây trốn chạy tới vùng duyên hải phía Bắc thành phố.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết khoảng 340.000 người đã chạy khỏi Libye để lánh nạn và khoảng 9.000 người khác vẫn đang bị mắc kẹt. Nguy cơ xảy ra một thảm họa nhân đạo lớn đang cận kề với người dân Libye khi chiến sự ngày càng khốc liệt. Người phát ngôn Chính phủ Libye Mussa Ibrahim ngày 24-3 cho biết khoảng 100 dân thường đã thiệt mạng sau gần một tuần liên quân không kích đất nước này. Đài truyền hình quốc gia Libye đưa tin “nhiều địa điểm quân sự và dân sự ở Tripoli và Tajura đã trở thành mục tiêu đánh phá của liên quân bằng tên lửa tầm xa”.

N. MINH
(Theo WSJ, Telegraph, TTXVN)

AU đề nghị các bên ở Libye
tiến hành đàm phán

Trong nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình tình hình Libye hiện nay, hôm qua 25-3, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Jean Ping đã mời các đại diện của Chính phủ Libye và phe đối lập tham gia cuộc đàm phán tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Đại diện AU, Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước A-rập láng giềng cũng đã nhận được lời mời tới Ethiopia để tham dự cuộc họp.

Hội nghị diễn ra nhằm tìm kiếm sự nhất trí về cách thức và các phương án sớm chấm dứt khủng hoảng ở Libye, cũng như đưa ra một cơ chế tham vấn về các hành động phối hợp. Ông Jean Ping lặp lại quan điểm của AU là phản đối “sự can thiệp quân sự từ bên ngoài” do Mỹ, Pháp và Anh dẫn đầu tại Libye. Ông cũng nêu chi tiết “chương trình, thời gian biểu và nghị trình” để giải quyết cuộc khủng hoảng, tiến tới “ngừng bắn” để “tạo điều kiện viện trợ nhân đạo” và bảo vệ “người lao động nước ngoài” đang làm việc tại Libye.

M.T (TTXVN, AFP)


Máy bay phản lực Rafale của Pháp sẵn sàng cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle ở Địa Trung Hải. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết