18/10/2018 - 09:13

Mỹ sẽ đàm phán thương mại với châu Âu, Nhật Bản 

Trong thư vừa trình Quốc hội, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận Washington sẽ tiếp tục mở rộng thương mại, đầu tư thông qua đàm phán hiệp định song phương với Liên minh châu Âu (EU), Anh và Nhật Bản. Mục tiêu là giải quyết vấn đề hàng rào thuế quan lẫn phi thuế quan, hướng tới thương mại tự do, công bằng và cân bằng với các đối tác.

Theo ông Lighthizer, Washington có kế hoạch đàm phán với Tokyo “càng sớm càng tốt” sau 90 ngày kể từ khi Quốc hội được thông báo. Tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng đã gặp Ủy viên EU phụ trách thương mại Cecilia Malmström để thảo luận cách thức thương lượng. Riêng tiến trình đàm phán với Anh sẽ bắt đầu khi nước này chính thức rời EU vào tháng 3-2019.

Tổng thống Trump (ngồi) và Đại diện Thương mại Lighthizer. Ảnh: BBC

Ưu tiên song phương hơn thỏa thuận đa phương là một phần trong sách lược thương mại mà Tổng thống Trump thực hiện kể từ khi nhậm chức. Ông chủ Nhà Trắng đã “mạnh tay áp đảo” các đối tác thương mại của Mỹ bằng thuế quan cùng nhiều công cụ khác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế thâm hụt thương mại.

Hồi tháng 9, Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký thỏa thuận thương mại tự do song phương mới sau thời gian đàm phán căng thẳng. Mỹ cũng đạt được thỏa thuận thương mại ba bên với Mexico và Canada vào đầu tháng 10. Kết quả này giúp Tổng thống Trump có thêm cơ sở củng cố chính sách thương mại và chiến thuật sử dụng thuế quan mà ông tin sẽ khiến các nước phải ngồi vào bàn đàm phán.

Nếu chính quyền Trump đạt được hiệp định thương mại với Nhật Bản, đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhất và thứ ba thế giới. Các cuộc đàm phán mới với EU nếu thành công cũng giải quyết mâu thuẫn giữa khối này và Mỹ kể từ sau Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) bị ngừng trệ. Tuy nhiên, nó sẽ đặt ra thách thức đối với Trung Quốc, quốc gia chiếm gần một nửa trong mức thâm hụt thương mại 832 tỉ USD của Mỹ năm 2017.

Trong diễn biến khác, sáng 17-10, Thượng viện Úc đã phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với việc Hạ viện thông qua hồi tháng trước, Úc chính thức hoàn tất thủ tục phê chuẩn CPTPP và trở thành quốc gia thứ tư phê chuẩn hiệp định này.

CPTPP là hiệp định thương mại giữa 11 nước gồm Úc, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile. CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có ít nhất 6 quốc gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước. Trước Úc đã có Mexico, Singapore và Nhật Bản phê chuẩn hiệp định này. Trong khi đó, New Zealand và Canada chuẩn bị hoàn tất tiến trình phê chuẩn.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết