30/07/2015 - 21:35

Mỹ kêu gọi sự ủng hộ của EU trong vấn đề Biển Đông

Trong động thái được báo chí phương Tây coi là "nhắc nhở" hiếm hoi, Washington hôm 29-7 đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải có tiếng nói "mạnh mẽ" hơn nữa nhằm ủng hộ Mỹ phản đối các hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc, đặc biệt là việc Bắc Kinh biến rạn san hô thành "đảo nhân tạo" và xây dựng tiền đồn quân sự trên Biển Đông.

Phát biểu tại hội thảo về chính sách của Mỹ và EU đối với khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á Amy Searight cho biết Washington hoan nghênh đồng minh châu Âu vận động giải pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, bà Searight cho rằng EU dường như có "phương pháp tiếp cận khác" đối với việc Washington yêu cầu các bên có liên quan tranh chấp đóng băng toàn bộ hoạt động cải tạo, bồi đắp trên Biển Đông, điều mà Bắc Kinh lâu nay vẫn bác bỏ. Theo bà Searight, sẽ hữu ích hơn nếu EU "thể hiện rõ quan điểm hỗ trợ" đối với nguyên tắc của Washington trong xử lý vấn đề Biển Đông.

Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ hiện diện trên Biển Đông. Ảnh: U.S. Navy

Đáp lại, Đại sứ EU tại Mỹ David O’Sullivan cho biết hai bên tuy có nhiều mục tiêu tương đồng nhưng những tuyên bố như trên của Mỹ dường như mang ý phán xét. Theo ông O’Sullivan, châu Âu trước nay vẫn chú ý tình hình an ninh khu vực Đông Á. Song, đại diện EU nhấn mạnh vấn đề này vẫn có giới hạn bởi "cùng lên tiếng đôi khi hữu ích, nhưng có lúc cũng phản tác dụng". Quan chức này bày tỏ: "Điều cuối cùng khu vực này cần là thêm nhiều tàu chiến. Tôi không nghĩ đó là điều chúng tôi muốn đóng góp cho an ninh tương lai của khu vực này".

Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF), Đô đốc Tomohisa Takei lo ngại toàn bộ Biển Đông có thể nằm dưới tầm ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc nếu Bắc Kinh sử dụng cái gọi là "đảo nhân tạo" cho mục đích trên. Trong tình thế hiện nay, Đô đốc Takei cho rằng các nước châu Á cần cải thiện năng lực Hải quân trong khi tiếp tục nỗ lực cùng nhau giải quyết căng thẳng ở Biển Đông.

Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Michael Fuchs, điều cần nhất bây giờ là giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng biển này và không ngại thể hiện thái độ khiêu khích. Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel trong bài phát biểu tại hội nghị về Biển Đông do CSIS tổ chức hồi tuần rồi khẳng định Mỹ sẽ có thái độ cương quyết trong xử lý vấn đề Biển Đông dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng Mỹ "thiên vị" trong vấn đề tranh chấp lãnh hải.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết