18/12/2017 - 11:40

Một chính phủ, hai kỷ lục! 

Hai ông Kurz (phải) và Strache sẽ lãnh đạo chính phủ mới ở Áo.

Như vậy Áo sẽ trở thành quốc gia duy nhất ở Tây Âu mà ở đó có các nhân vật cực hữu trong nội các. Ngày 16-12, Tổng thống Van der Bellen đã phê chuẩn việc thành lập chính phủ liên hiệp gây nhiều tranh cãi giữa đảng Nhân dân theo đường lối bảo thủ và đảng cực hữu Tự do.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 10 vừa qua, đảng Nhân dân về nhất, giành được 62 trong tổng số 183 ghế của cơ quan lập pháp nhưng không đủ điều kiện để tự thành lập chính phủ, trong khi đảng Tự do về thứ ba với 51 ghế.

Theo thỏa thuận, lãnh đạo đảng Nhân dân, Ngoại trưởng Sebastian Kurz sẽ giữ ghế thủ tướng mới của Áo, còn Chủ tịch đảng Tự do Heinz-Christian Strache làm phó. Ngoài ra, đảng Tự do cũng nắm các bộ quan trọng như nội vụ, quốc phòng, y tế và an sinh xã hội. Chưa hết, đảng này còn được quyền đề cử Karin Kneissl vào chức ngoại trưởng dù bà không phải là người của đảng Tự do. Kneissl là một nhà văn và chuyên gia về Trung Đông, có thể giao tiếp bằng 8 thứ tiếng.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên phe cực hữu có chân trong Nội các Áo. Hồi năm 2000, đảng Tự do từng là một bên trong chính phủ liên hiệp và lẽ ra đã nắm ghế thủ tướng nếu thủ lĩnh đảng này Jörg Haider không phải là nhân vật quá nhiều tai tiếng. Khi đó, các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã đóng băng quan hệ với Áo trong một thời gian để phản đối.

Còn lần này, theo BBC, động thái tương tự sẽ không xảy ra bởi EU giờ quá quen với các nhóm cực hữu, dân túy, chống nhập cư và hoài nghi châu Âu. Chẳng hạn đảng Mặt trận Quốc gia những năm gần đây đã mấy lần vào tới vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp, đảng Tự do về nhì trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan hồi tháng 3 năm nay, hay gần hơn là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức vừa về thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9.

Đảng Tự do ở Áo được thành lập hồi giữa thế kỷ trước bởi một cựu thành viên Quốc xã. Tuy nhiên, không giống như các đảng cực hữu khác ở châu Âu, đảng này luôn tìm cách chuyển đổi thắng lợi ở thùng phiếu thành quyền lực thực sự bằng cách tham gia chính quyền dù phải chấp nhận tạo dựng một hình ảnh bớt cực đoan. Một biểu hiện cụ thể là Chủ tịch Strache hôm 16-12 khẳng định chính phủ mới ở Áo sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU.

Phát biểu với báo giới, ông Strache nói rằng chính phủ muốn có thêm “dân chủ trực tiếp” theo kiểu Thụy Sĩ để có thể dễ dàng tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng sẽ không đề cập đến tư cách thành viên của Áo trong EU. Ông khẳng định Áo sẽ “đứng bên EU, đứng bên cạnh dự án hòa bình của châu Âu”. Ông này trước đó từng có cách nói nước đôi về tư cách thành viên EU của Áo, khi chỉ trích Brussels “quan liêu” và cho rằng Anh “có lẽ sẽ tốt hơn” sau Brexit.

Trong khi đó, ông Kurz cũng trấn an Brussels rằng quan điểm “ủng hộ châu Âu” của Chính phủ Áo sẽ được đảm bảo.

Ngoài việc là nội các duy nhất ở Tây Âu có các thành viên là chính khách cực hữu, bản thân tân Thủ tướng Kurz cũng xác lập kỷ lục là lãnh đạo trẻ nhất thế giới khi mới 31 tuổi. Cách đây 4 năm, nhân vật được ca ngợi là “tài không đợi tuổi” (dù bỏ ngang đại học) này từng được chú ý khi trở thành ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu ở tuổi 27.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết