19/06/2018 - 07:13

Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 

Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm 2018 của HĐND thành phố, mới đây, Ban Thường trực UBMTTQVN TP Cần Thơ đã tổ chức hội nghị phản biện đối với 1 dự thảo báo cáo và 4 dự thảo nghị quyết (NQ) của HĐND thành phố, về: Tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; thu học phí đối với các bậc học; phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; đặt tên đường. Qua tổ chức phản biện, Ban Thường trực UBMTTQVN và đại diện một số tổ chức thành viên Mặt trận đã góp ý nhiều vấn đề quan trọng để các NQ của HĐND thành phố ban hành sát hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao.

Các đại biểu góp ý các dự thảo báo cáo, nghị quyết. Ảnh: THANH THY
Các đại biểu góp ý các dự thảo báo cáo, nghị quyết. Ảnh: THANH THY

Tại hội nghị, các đại biểu là thành viên Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố, đại diện các đoàn thể thành phố, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, các hội đồng tư vấn của Mặt trận thành phố đã tham gia góp ý về sự cần thiết, tính cấp thiết để ban hành của NQ; sự phù hợp của dự thảo NQ với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện hành; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội trên địa bàn thành phố; tính khả thi của dự thảo NQ khi ban hành... Qua phản biện, các đại biểu đã thẳng thắn nêu quan điểm, phân tích, làm rõ những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp trong dự thảo báo cáo, NQ. Ông Phạm Khắc Phương, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân Chủ - Pháp luật UBMTTQVN thành phố, chia sẻ: “Trước khi phản biện, tôi nghiên cứu các văn bản liên quan đến từng dự thảo báo cáo, NQ để những ý kiến phản biện của mình sẽ góp sức cùng HĐND thành phố quyết nghị ban hành NQ sát với thực tế đời sống, hợp lòng dân, mang tính khả thi cao”.

Góp ý dự thảo báo cáo kết quả thực hiện NQ của HĐND thành phố về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, bà Huỳnh Thị Hiền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo cần đánh giá đúng những nguyên nhân hạn chế, để từ đó đề ra giải pháp thực hiện sát đúng, đạt hiệu quả trong những tháng cuối năm. Các nhiệm vụ, giải pháp phải nêu rõ ràng để các cơ quan chuyên môn dễ tổ chức thực hiện... Qua nghiên cứu tài liệu, các đại biểu cho rằng cần thiết ban hành NQ về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập TP Cần Thơ năm học 2018-2019 và NQ về mức học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND thành phố từ năm học 2018-2019 đến năm 2020-2021 cho phù hợp với Nghị định 86 của Chính phủ. Đồng thời đề nghị không tăng học phí bậc mầm non và xem xét mức học phí chênh lệch giữa quận và huyện; bổ sung chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ...

Đối với dự thảo NQ về việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công của các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP Cần Thơ, các đại biểu thống nhất ban hành NQ mới. Theo ông Phạm Khắc Phương, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 nên NQ của HĐND thành phố ban hành trước đây không còn phù hợp. Cùng thống nhất ban hành NQ mới, nhưng các đại biểu dự phản biện đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại kết cấu và kỹ thuật xây dựng văn bản với các đề mục phải rõ ràng; quy định rõ thẩm quyền của quận, huyện trong quản lý tài sản; có chế tài trong thẩm quyền được giao để thấy rõ trách nhiệm người được giao quản lý tài sản;... Đối với dự thảo NQ về việc đặt tên đường, bà Phan Thị Minh Thu, Tổng Thư ký Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, đề nghị ngành chức năng cần phải tham mưu đặt tên đường phù hợp hơn; không nên đặt tên đường Nguyễn Huệ, đường Quang Trung liền kế với nhau, vì đây là 2 tên của cùng 1 nhân vật lịch sử…

Để công tác phản biện của MTTQVN và các tổ chức thành viên phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, đề nghị Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố khi tổ chức phản biện các báo cáo, tờ trình, dự thảo NQ của HĐND dự kiến trình tại kỳ họp của HĐND thành phố cần thiết phải mời cơ quan soạn thảo dự thảo văn bản tham gia để trình bày, giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra, cũng như trực tiếp tiếp thu ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn các văn bản dự kiến trình HĐND thành phố xem xét, quyết nghị...

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, phản biện của đại biểu, ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN thành phố, cho biết: Ý kiến đóng góp, phản biện của đại biểu là cơ sở để cơ quan soạn thảo có thêm thông tin hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo NQ; đồng thời, giúp đại biểu HĐND thành phố có thêm nguồn thông tin trước khi biểu quyết thông qua việc ban hành NQ của HĐND thành phố. Sau hội nghị, Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố sẽ tổng hợp ý kiến gửi Thường trực HĐND thành phố, nhằm góp phần vào việc HĐND thành phố ban hành NQ phù hợp, mang tính khả thi cao...  Cũng theo ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, hoạt động phản biện đối với các báo cáo, dự thảo NQ của HĐND là một trong những hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân của Mặt trận các cấp trong thành phố...

THANH THY

Chia sẻ bài viết