08/07/2012 - 17:46

Đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy:

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là một trong những giải pháp nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh

Sau khi hoàn tất việc triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các cấp ủy đảng sẽ tiến hành thực hiện công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo hướng dẫn của Trung ương. Để các cấp ủy đảng nắm vững mục đích, yêu cầu cũng như thực hiện tốt công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, chung quanh nội dung này.

* Thưa đồng chí, việc tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay?

- Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã xác định, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Hàng năm, ở các cấp ủy, tổ chức đảng đều thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, BCH Trung ương Đảng tiếp tục xác định kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất; đồng thời, cần tránh việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình một cách qua loa, hình thức, nể nang cũng như lợi dụng kiểm điểm, tự phê bình và phê bình để “đấu đá”, trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng. Trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn của cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, nhận rõ khuyết điểm và tự sửa chữa; phải thực sự cầu thị, khách quan với ý thức xây dựng trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

* Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn các cấp ủy đảng tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập trung vào những nội dung nào?

Các đảng viên xã Thạnh Lộc (huyện Vĩnh Thạnh) thảo luận việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay). Ảnh: ANH DŨNG 

- Trên cơ sở hướng dẫn số 11-HD/BTCTW, ngày 14-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 27-3-2012 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 4-4-2012 Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU  hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức trong thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm tự phê bình và phê bình; làm rõ tại sao những khuyết điểm, yếu kém đã chỉ ra nhiều năm nay nhưng chậm khắc phục, có mặt lại yếu kém, phức tạp thêm. Do vậy, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ tập trung vào những nội dung:

1- Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Trong nội dung này cần kiểm điểm, làm rõ tình hình, biểu hiện và mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; kiểm điểm việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái.

2- Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nội dung này cần kiểm điểm làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ; kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; đã thật sự kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong công tác cán bộ chưa? Xác định trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ.

3 - Về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Qua đó, cần kiểm điểm chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và nhất là quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác cán bộ, trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, tài nguyên, khoáng sản, đất đai..., trong đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ bản, thủy lợi, giao thông, sản xuất, kinh doanh... Có tình trạng lợi dụng danh nghĩa tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân không? Có biểu hiện thành tích thì gắn cho cá nhân, khuyết điểm lại đổ cho tập thể không? Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.

Trong 3 nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, chi phối các nội dung sau; trong đó cần đi sâu kiểm điểm:

Đối với tập thể: Cần kiểm điểm làm rõ ưu điểm, hạn chế, yếu kém về 3 nội dung nêu trên; xác định nguyên nhân, trách nhiệm; đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục.

Đối với cá nhân: Cần tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình căn cứ vào 3 nội dung Nghị quyết nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm; về nội dung góp ý của các tổ chức, cá nhân và gợi ý của cấp trên (nếu có) đối với cá nhân mình; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về những góp ý hoặc gợi ý (nếu có) đối với tập thể và những thiếu sót của tập thể.

Cá nhân phải tự giác, trung thực soi xét mình về các mặt: tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, có thái độ, tinh thần như thế nào trong đấu tranh, phê phán các quan điểm, việc làm sai, trái với Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng? Trong ý thức và việc làm thể hiện đã đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của cá nhân chưa? Đã thực sự tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa? Đoàn kết nội bộ đã tốt chưa? Đã trung thực trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, kê khai tài sản chưa? Có để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức vụ để trục lợi không?...

Đối với cá nhân là cấp ủy viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngoài các nội dung trên cần liên hệ, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân tham gia cùng tập thể thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến nội dung cụ thể nêu tại mục (2), mục (3) nội dung kiểm điểm nêu trên; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân về những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể và phương hướng, biện pháp khắc phục.

* Về tiến độ công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ được triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Theo Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 27-3-2012 của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU, ngày 4-4-2012 của Ban Tổ chức Thành ủy về kiểm điểm, tự phê bình, phê bình theo Kế hoạch của Thành ủy, thì BTV Thành ủy tiến hành kiểm điểm trong tháng 7 và tháng 8 năm 2012; cấp trên cơ sở và tương đương tiến hành kiểm điểm trong tháng 8 và tháng 9 năm 2012; cấp cơ sở và đảng viên tiến hành kiểm điểm trong các tháng 9, 10, 11 năm 2012.

Đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu BTV Thành ủy ban hành quy chế làm việc của Bộ phận Thường trực giúp BTV Thành ủy chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và thành lập Tổ giúp việc với nhiệm vụ là tham mưu giúp BTV chuẩn bị đầy đủ các bước theo quy định về tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể BTV và cá nhân Ủy viên BTV Thành ủy. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố thực hiện đạt yêu cầu.

BTV Thành ủy đã tổ chức xong hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên BTV, BCH Đảng bộ thành phố, nguyên là Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND; trưởng các sở, ban, ngành và tương đương đã nghỉ hưu tại thành phố và gửi phiếu lấy ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, cấp ủy nơi công tác, cấp ủy nơi cư trú đối với tập thể BTV Thành ủy và cá nhân các đồng chí Ủy viên BTV Thành ủy. Dự kiến sẽ tổ chức kiểm điểm trong tháng 7 năm 2012.

* Để công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, các cấp ủy Đảng cần phải lưu ý những vấn đề gì trong quá trình triển khai thực hiện, thưa đồng chí?

- Theo Chỉ thị số 15, ngày 24-2-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì việc thực hiện Nghị quyết phải tạo được chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng ngay trong nhiệm kỳ khóa XI, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần lưu ý: Quán triệt và thực hiện tốt mục đích, yêu cầu Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU, ngày 4-4-2012 của Ban Tổ chức Thành ủy về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết với quyết tâm chính trị cao; trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, các cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu, phải thật sự gương mẫu làm trước để cấp dưới noi theo. Khi chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ; đồng thời không được để rơi vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình. Việc tổ chức thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân các cấp phải được chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.

* Xin cảm ơn đồng chí!

 HOÀI THU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết