17/03/2018 - 15:03

Khổ vì “Hát với nhau”! 

Thời buổi công nghệ hiện đại, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và thùng loa di động (nhiều người quen gọi là thùng kẹo kéo) là đã có thể vô tư “khoe” giọng hát của mình. Vô tư đến nỗi, nhiều người không nghĩ đến chuyện làm phiền những người xung quanh khi hát mọi lúc mọi nơi, bất kể giờ giấc.

Nỗi khổ mang tên karaoke

Hiện nay, phong trào hát karaoke bằng dàn nhạc lớn hay thùng kẹo kéo lan rộng hầu khắp các địa phương Nam bộ, trong đó có Cần Thơ. Quy mô thì dàn loa 5- 7 thùng, công suất lớn; nhỏ thì là những thùng kẹo kéo nhưng âm thanh phát ra không hề nhỏ chút nào. Thậm chí, chỉ cần một chiếc micro nhỏ cũng có thể… làm phiền hàng xóm.

Hát hò và múa may quay cuồng, làm phiền xóm làng. Ảnh: DUY KHÔIHát hò và múa may quay cuồng, làm phiền xóm làng. Ảnh: DUY KHÔI

Dĩ nhiên, hát hò cho đời thêm vui, cho cuộc vui thêm trọn vẹn thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng nhiều người lạm dụng, ca hát thâu đêm, làm phiền, làm khổ bà con lối xóm, nhất là khi “ca sĩ” đã chếnh choáng men say. Nhiều vụ mất lòng, thậm chí đâm chém nhau chỉ vì hát karaoke đã chứng minh cho “tác dụng phụ” của thú vui này. Chị Nguyễn Quốc Tường V. (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) than thở: “Nói thì mất lòng chứ tôi phát điên vì giọng hát của họ”. Nhiều người tìm đủ mọi lý do để có thể hát với nhau: từ giỗ chạp, tiệc tùng đến trúng mùa, trúng giá, thậm chí heo đẻ, “rửa” xe, tivi…

Hát với nhau ở miền Tây giờ chẳng cần nhạc công. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và thùng kẹo kéo là có thể hát thâu đêm, từ những bài ca thông dụng đến nhạc chế, nhạc chưa được phép lưu hành… Ông Nguyễn Văn X. (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) cho biết: Nếu như trước đây phải mướn thùng kẹo kéo mỗi giờ 100.000 đồng, thì bây giờ để cạnh tranh bán bia, nhiều chủ quán “ra chiêu khuyến mại” uống 2 thùng bia trở lên là cho mượn thùng kẹo kéo. “Chính sách mở” như vậy nên đi đầu làng cuối ngõ miền Tây, đâu đâu cũng nghe hát karaoke. Không chỉ hát, mà khi men say đã ngấm, nhiều người cầm micro hô to “1,2,3...zô” và nói chuyện chát chúa rất chói tai, bất kể đó là nửa đêm.

Ông Nguyễn Văn H. (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) than rằng, xóm ông có 2-3 gia đình thường xuyên hát hò. Bản thân ông đã lớn tuổi lại còn mẹ già hơn 90 tuổi nhưng không dám nói vì sợ mất lòng, nên chỉ biết “chịu trận”. “Có đêm thức trắng vì giọng hát của họ”- ông H. than. Ông Nguyễn Văn X. (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) còn kể câu chuyện các anh chị em nhà nọ cất nhà ở san sát nhau, sử dụng chung mạng wifi. Do một nhà hát karaoke thâu đêm nên chủ nhà mắc wifi tắt mạng. Thế là xảy ra tranh cãi, mất lòng anh em.

Nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Cần Thơ, cho biết, gần đây ông cũng khổ sở vì không chỉ một loa kẹo kéo mà nhiều loa phát đồng thời làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi và tư duy sáng tạo. “Về chất lượng sống, thì tác động của tiếng ồn rất hại đến sức khỏe của con người, bắt mọi người chung quanh phải chịu đựng tiếng ồn cường độ lớn trong thời gian dài là một sự tra tấn về sức khỏe” - ông Dũng nói.

Khó xử lý!

Trước thực trạng người dân dùng loa kẹo kéo hát với âm lượng lớn, bất kể giờ giấc như hiện nay, dù đứng ở góc độ nào thì những tác động đến người chung quanh đều rất xấu. Đứng về góc độ âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Dũng cho rằng: Thưởng thức âm nhạc là một nhu cầu thực sự, âm nhạc như một món ăn tinh thần, nếu thức ăn tinh khiết thì tinh thần sảng khoái, còn thức ăn không vệ sinh thì sức khỏe sẽ không tốt. Thưởng thức âm nhạc là vấn đề tự nguyện, nhưng dùng loa kẹo kéo hát bất kể giờ giấc là cưỡng bức. Đó là chưa nói đến nội dung và giọng hát kém chất lượng đang được ra rả rót vào đầu người nghe, ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật của cả nền âm nhạc nước nhà.

Chỉ cần micro và điện thoại thông minh là có thể vô tư ca hát. Ảnh: DUY KHÔI

Ở góc độ tâm lý, bác sĩ Hồ Nhật Quang, chuyên gia tham vấn tâm lý, cũng cho rằng, ngày càng có nhiều người trở thành “thính giả bất đắc dĩ” từ chuyện hát hò này. Với những dàn karaoke công suất quá lớn, giọng ca “hát với nhau” mang tính ngẫu hứng đã không còn là những bài hát du dương nữa mà là một tổ hợp các âm thanh không theo quy luật với những tần số, cường độ, trường độ, độ lớn khách nhau, tạo nên  tiếng ồn và sự “tra tấn âm thanh” rất khó chịu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và gây cản trở sinh hoạt bình thường của rất nhiều người xung quanh.

Bác sĩ Quang phân tích, thính giác của con người là một cơ quan rất nhạy cảm, khi bị tác động sẽ dễ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đối với âm thanh lớn sẽ giảm khả năng suy nghĩ, gây mất tập trung, buồn bực, ảnh hưởng đến chức năng của não bộ, gây ức chế, đau đầu, mệt mỏi. Khi nghe trong thời gian dài sẽ có cảm giác căng thẳng, mất cân bằng, dễ bực bội, cáu gắt, nghiêm trọng hơn là rối loạn giấc ngủ, làm giảm khả năng lao động và dễ bị stress. Đối với những người lớn tuổi dễ bị đánh trống, loạn nhịp tim kèm theo tăng huyết áp và nhịp thở, ăn uống kém ngon, dạ dày kém hấp thu do ức chế, giảm tiết dịch vị dẫn đến dễ bị rối loạn tiêu hóa… Về phương diện xã hội, bác sĩ Hồ Nhật Quang lo ngại rằng, do phải chịu đựng ức chế vì tiếng ồn từ dàn karaoke tự phát gây ra nên sẽ thường xuyên phát sinh mâu thuẫn giữa hàng xóm với nhau. Những cuộc cãi vã, đánh nhau thậm chí gây án đã xảy ra mang lại hậu quả nặng nề cho cả hai bên.

Tuy nhiên, xử lý việc lạm dụng hát karaoke hiện nay là điều nan giải bởi theo quy định, để xử lý chuyện làm ồn cần thiết phải có thiết bị đo decibel. Nhưng với cán bộ ấp, khu vực hoặc phường thì hầu như chưa được trang bị. Ông Nguyễn Văn Đ., một cán bộ ở quận Cái Răng, thừa nhận, việc xử lý là rất khó, chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền. Tuy nhiên, đã nhắc nhở thì người dân có quyền nghe hoặc không. Đó là chưa kể khi cuộc vui đã say nhè, việc nhắc nhở đó sẽ “khó lọt tai”, không biết chừng sẽ biến thành mâu thuẫn.

Bác sĩ Hồ Nhật Quang khuyến cáo: Những người hát karaoke phải để ý đến hành động của mình và những người xung quanh, đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận và hành xử cho đúng mực. Những người bị ảnh hưởng nên nhờ chính quyền can thiệp như: bảo vệ dân phố, công an khu vực, UBND phường… chứ không nên “khổ quá hóa liều”!

Nhạc sĩ Nguyễn Dũng có đề xuất: Việc quản lý nhà nước về vấn đề này nên có những chế tài cụ thể như nơi giải trí phải có cách âm, sử dụng âm thanh thì giới hạn cường độ bao nhiêu decibel là vừa, quy định giờ nào không được gây tiếng ồn. “Đây là vấn đề bức xúc của người dân, nhưng cũng mới mẻ với Nhà nước, dù mới mẻ với việc quản lý nhưng Nhà nước phải ra tay, mang đến sự yên vui cho người dân”- ông Dũng nhấn mạnh.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết