21/05/2008 - 09:42

Khi nông dân lên tiếng !

N hiều người không khỏi trăn trở khi biết chuyện mới đây, ông Lê Văn Lam (57 tuổi), nông dân ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ để trình bày những nỗi khó khăn cũng như nguyện vọng của người nông dân (báo Tuổi Trẻ số ra ngày 19-5-2008).

Đó là chuyện: “Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân... Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất... Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn....” (Trích thư ông Lê Văn Lam gửi Thủ tướng Chính phủ).

Một nông dân chất phác đã lên tiếng để nói lên những nỗi khó khăn không chỉ của riêng mình mà là của hàng triệu nông dân trong nước. Đó là những lời tâm sự hết sức chân thành và mộc mạc đến chạnh lòng.

Thời gian gần đây, giá lúa, gạo tăng cao, nhưng bà con nông dân lại lo lắng nhiều hơn. Trong vòng một năm qua, giá cả nhiều loại vật tư nông nghiệp- nhất là phân bón- đã tăng gấp ba, bốn lần so với trước. Trong khi đó, giá lúa tuy có tăng cũng ở mức gấp đôi. Bao phen nông dân ta lao đao vì không định hình được việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có những chuyển đổi “không hợp thời” làm nhiều nông dân phải ôm nợ, vì trúng mùa nhưng bị thất giá do không định hướng được “đầu ra”. Giá nhiều loại nông sản lên cao nhưng đại đa số nông dân không được hưởng vì phần lớn lợi nhuận đã rơi vào túi tư thương và nhiều khâu trung gian khác trong quá trình phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng!

Lâu nay, điệp khúc mất mùa - thất giá, đốn cây này trồng cây khác, chăn nuôi chạy theo phong trào... đã quá quen thuộc (và cũng quá chán ngán) đối với nông dân vùng ĐBSCL - vùng trọng điểm lương thực của cả nước. Còn nhớ 5-10 năm trước, nông dân ở các vùng trồng mía lao đao vì giá mía lên xuống thất thường. Năm nào diện tích thu hẹp (ít người trồng) thì năm đó mía có giá. Thấy vậy, nhiều nông dân trồng mía trở lại thì khốn đốn vì gặp cảnh dội hàng, rớt giá. Nhiều nơi, nông dân rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”, có người đành phải bỏ luôn ruộng mía mà mình đã tốn bao chi phí và công chăm sóc, dù đang tới kỳ thu hoạch. Bởi vì, thà bỏ mía làm củi còn hơn thu hoạch sẽ bị lỗ thêm khoản tiền thuê nhân công! Nhiều người làm vườn cũng bao phen lận đận với cảnh đốn “cây cũ” trồng “cây mới” hay đốn “cây mới” để trồng lại “cây cũ” vì giá cả cứ lên xuống thất thường... Và khó khăn càng chồng chất khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra những năm gần đây. Hệ quả, rất nhiều nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà nghèo vẫn hoàn nghèo, nhà cửa lụp xụp, con cái phải bỏ học, tha phương cầu thực...

Theo lời ông Lam, ở quê ông có tới 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất nông nghiệp theo kiểu ăn trước trả sau. Trúng mùa, trúng giá một năm thì nông dân có thể trả hết nợ, nhưng không may gặp cảnh thất mùa, nhiều nông dân phải đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng. Trồng lúa chỉ giúp những người nông dân không đói chứ không thể giúp họ thoát nghèo. Tình cảnh này không phải là chuyện chỉ diễn ra ở quê của ông Lam.

Tại nhiều hội thảo về nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, rất nhiều người có trách nhiệm đã đặt ra vấn đề định hướng, quy hoạch vùng sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề; doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân... Phải thừa nhận rằng, có một vài nơi đã làm khá tốt khâu trợ giúp kỹ thuật; định hướng, tìm “đầu ra” cho nông dân... Thế nhưng, nhìn chung, trên thực tế, ở rất nhiều nơi nông dân vẫn phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường, trong làn sóng hội nhập- cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân làm giàu. Nhưng con số ấy vẫn còn quá ít ỏi so với khoảng 80% dân số Việt Nam là nông dân! Vì thế, những nguyện vọng chính đáng mà ông Lê Văn Lam nhắn gởi đến Chính phủ cũng là nguyện vọng của đại bộ phận nông dân nước ta. Người nông dân đang cần, rất cần nhà nước, các doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học... hỗ trợ nhiều hơn nữa để họ có được những định hướng đúng trong chuyển đổi cây trồng- vật nuôi, những kiến thức về kỹ thuật canh tác, thông tin thị trường, vốn liếng... để sớm thoát cảnh nghèo khó, tụt hậu.

Cũng trên số báo này, trong bài “Bão giá” vẫn xài sang”, người đọc không khỏi “giật mình” khi biết được ở nước ta, ngày càng có nhiều đại gia sẵn sàng chi ra hơn 300.000 USD hoặc cao hơn nữa để sở hữu những chiếc ô tô tầm cỡ thế giới hoặc tậu chiếc điện thoại di động có giá đến 7.500 USD... Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, càng sâu- mà nông dân đang là người ở tầng thấp nhất. Đó là một thực trạng đau lòng khi chúng ta đang phấn đấu vươn đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”!

Chúng ta hãnh diện là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong đó, khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu đến từ ĐBSCL, là sản phẩm người nông dân chân lấm tay bùn tạo ra. Họ là những người góp phần to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước. Họ xứng đáng được tôn vinh. Thiết nghĩ, lời thỉnh nguyện của ông Lê Văn Lam: “Hy vọng Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất” cũng là tiếng nói thật lòng của hàng triệu nông dân Việt Nam; bày tỏ niềm tin và hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ sớm có giải pháp giúp họ vượt qua nghèo khó, đảm bảo sự công bằng và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

TÂN XUÂN

Chia sẻ bài viết