27/10/2017 - 13:07

Hộ chiếu Singapore “mạnh” nhất thế giới 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Singapore trở thành quốc gia châu Á đầu tiên có hộ chiếu “quyền lực” nhất thế giới phản ánh sự dịch chuyển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước dấu hiệu lùi bước của phương Tây trong chính sách mở cửa, thúc đẩy tự do hóa thương mại và du lịch.

Bảng xếp hạng Chỉ số Thị thực Toàn cầu 2017 (Global Passport Index) được công ty tài chính quốc tế Arton Capital công bố hôm 25-10. Trong đó, “sức mạnh” của hộ chiếu 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) và 6 vùng lãnh thổ được đánh giá dựa trên số lượng quốc gia mà công dân mỗi nước được miễn thị thực hoặc xin visa tại sân bay nước nhập cảnh.

Ảnh: Wikimedia

Trong danh sách, Singapore đứng đầu tốp các quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới khi công dân nước này có thể đến 159 quốc gia, vùng lãnh thổ mà không cần visa. Đây cũng là lần đầu tiên hộ chiếu một nước châu Á đứng đầu Chỉ số Thị thực Toàn cầu. Trước nay, hộ chiếu các nước trong tốp 10 phần lớn đều thuộc về những quốc gia Tây Âu như Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Trong đó, Đức đã có 2 năm liên tiếp dẫn đầu danh sách này. Nhưng đầu năm nay, Đức buộc phải chia sẻ vị trí này với Singapore. Và ở thời điểm hiện tại, hộ chiếu của quốc gia Đông Nam Á chính thức “soán ngôi” Đức sau khi Paraguay dỡ bỏ yêu cầu visa cho công dân đảo quốc Sư tử. “Đây là minh chứng cho mối quan hệ ngoại giao hòa hợp và chính sách đối ngoại hiệu quả của Singapore” – trích lời Giám đốc Arton Capital tại Singapore Philippe May.

Theo giới quan sát, các nước phương Tây dưới sự trỗi dậy của khuynh hướng chính trị cực hữu bắt đầu có cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn trong chính sách biên giới. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á trái lại đang nỗ lực mở rộng chính sách đối ngoại và tiến lên vị trí cao hơn. Singapore là ví dụ điển hình và thứ hạng trong danh sách của Arton Capital là minh chứng cho chính sách ngoại giao nhạy bén, kiểm soát linh hoạt mối quan hệ với các nước. Ngoài Singapore, một số quốc gia châu Á khác có cùng xu hướng là Hàn Quốc (xếp thứ 3 cùng với Thụy Điển) và Nhật Bản (nằm ở vị trí thứ 4 cùng Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh).

Cùng với sự tụt hạng của châu Âu, Arton Capital ghi nhận giá trị Mỹ thể hiện qua hộ chiếu nước này cũng đang trên đà sụt giảm kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Cụ thể hồi năm 2016, Mỹ tuy tụt 3 bậc so với năm 2015 nhưng vẫn ở hạng 4 và cùng thứ bậc với Singapore. Hiện Mỹ xếp sau 18 quốc gia khác khi rơi xuống hạng 6 và san sẻ vị trí với Ireland, Canada và  Malaysia.

Phát biểu tại Diễn đàn Công dân Toàn cầu, người sáng lập kiêm Chủ tịch Arton Capital Armand Arton cho rằng di chuyển tự do đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thời đại này. Trong khi đó, trước ảnh hưởng của làn sóng chính trị cực hữu ở phương Tây, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Singapore Mohamad Maliki bin Osman tại diễn đàn về chiến lược toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi khu vực cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia và đặc biệt không để tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan tác động đến các chính sách tự do thương mại trong khu vực.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết