18/03/2018 - 07:13

Giúp anh Xuân chống chọi với bệnh tật 

Trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp, không khí ảm đạm, buồn bã, chị Huỳnh Thị Mộng Cầm, khu vực Yên Hạ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nhỏ nhẹ động viên chồng- anh Đồng Thanh Xuân, 52 tuổi, bị bệnh nan y, nằm liệt một chỗ- uống từng muỗng sữa. Cảnh nhà khốn khó, bế tắc trong khi bệnh của anh Xuân ngày càng trầm trọng.

Anh Xuân làm thợ hồ, chị Cầm làm mướn, nuôi 3 người con học hành. Cuộc sống gia đình tuy không dư dả nhưng do anh chị khéo thu vén nên đủ ăn, đủ mặc, không đến nỗi túng thiếu. Tai ương bất chợt giáng xuống gia đình chị Cầm khi 8 năm trước, con trai lớn chẳng may qua đời do tai nạn giao thông lúc 19 tuổi, khiến vợ chồng chị buồn bã, suy sụp một thời gian mới nguôi ngoai.

Hằng ngày, chị Cầm phải túc trực chăm sóc, theo dõi sức khỏe anh Xuân. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Hằng ngày, chị Cầm phải túc trực chăm sóc, theo dõi sức khỏe anh Xuân. Ảnh: ANH PHƯƠNG

“Họa vô đơn chí”, cách nay 1 năm, anh Xuân đang khỏe mạnh, dày dạn kinh nghiệm trong nghề thợ hồ, bỗng dưng phát bệnh sau ngày lao động cật lực. Mắt mờ, chân run, tâm trí lơ mơ, anh Xuân không nhớ đường, phải nhờ anh em trong nhóm thợ chở về nhà. Tưởng anh Xuân trúng nắng, cảm sốt như mọi khi, chị Cầm cho anh uống thuốc, xoa dầu… Đến sáng hôm sau, anh Xuân lên cơn co giật, không thể nói chuyện, hai chân mất cảm giác, không thể cử động. Hốt hoảng, chị Cầm gom hết tiền trong nhà, vay mượn thêm hàng xóm, đưa anh Xuân vào bệnh viện. Sau khi khám bệnh, làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận, anh Xuân bị sa sút trí tuệ, khô não, nhược cơ. Điều trị hơn một tháng, tốn kém chi phí (có bảo hiểm y tế tự nguyện) nhưng bệnh anh Xuân không thuyên giảm. Gia cảnh quá khó khăn, chị Cầm đành đưa anh về nhà, uống thuốc giảm đau cầm cự qua ngày. Chị Cầm nói trong nước mắt: “Bác sĩ khuyên nên đưa anh đi TP Hồ Chí Minh điều trị có cơ may hồi phục nhưng gia đình tôi không có khả năng. Từ khi anh Xuân đổ bệnh đến nay, tôi phải túc trực chăm sóc, không đi làm mướn được. Con trai tôi học xong lớp 12 phải nghỉ, làm công nhân công ty sản xuất vỏ xe để phụ giúp chi phí thuốc men trị bệnh cho cha và lo em gái út học tiểu học”. Hiện anh Xuân nằm một chỗ, gầy yếu, xanh xao, hơi thở thoi thóp, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh cá nhân phải trông nhờ vợ, con.  

Bà Tô Thị Diêm, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực Yên Hạ, cho biết: “Vợ chồng chị Cầm sống thuận hòa, đầm ấm, siêng năng, chịu khó làm ăn, bà con trong xóm ai cũng thương. Chẳng may chồng lâm bệnh ngặt, chị Cầm dốc hết tiền của dành dụm điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng trở nặng. Căn nhà đang ở cũng cầm cố rồi bán đứt nhưng người mua thông cảm cho gia đình ở nhờ để anh Xuân thuận tiện trị bệnh. Thời gian qua, Chi hội vận động hội viên, bà con chòm xóm, nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ tiền viện phí, thuốc men cho anh Xuân nhưng không được nhiều và không thường xuyên”. Địa phương xem xét gia cảnh chị Cầm khó khăn, thắt ngặt, đưa vào diện bảo trợ xã hội, để thụ hưởng chính sách trợ giúp của nhà nước.  

Rất mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm mở lòng giúp đỡ anh Xuân có điều kiện trị bệnh, kéo dài sự sống bên vợ, con.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết