19/01/2016 - 21:46

Diễn đàn nhiều nỗi lo

Với chủ đề "Kiểm soát cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư", Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos năm 2016 diễn ra từ ngày 20-1 đến 23-1, với sự tham gia của khoảng 2.500 đại biểu là giới lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, mạng xã hội và các nhà hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực đến từ khắp nơi trên thế giới.

Diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất thế giới tại Thụy Sĩ năm nay đáng chú ý có sự hiện diện lần đầu của nhà lãnh đạo trẻ, tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande lại không thể tham dự do tập trung giải quyết những vấn đề đối nội.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin lần thứ 5 liên tiếp từ chối dự diễn đàn trước làn sóng chỉ trích của phương Tây về chính sách đối ngoại của Nga. Phái đoàn Triều Tiên năm nay bị rút lời mời tham dự vì vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua. Giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không sang Davos giữa lúc thế giới cần nước này công khai "phương thuốc" chặn những cơn biến động trên sàn chứng khoán làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua.

Tuy nhiên theo giới quan sát, dù thiếu vắng những nhân vật lãnh đạo của nhiều nước lớn có những quyết sách tác động đến tình hình an ninh-kinh tế thế giới, các cuộc thảo luận về những vấn đề thời sự quốc tế như tình hình chiến sự tại Syria, bất ổn leo thang trên bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng chưa từng có tại châu Âu, mối hiểm họa ngày càng tăng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giá dầu mỏ rơi tự do... cũng sẽ không kém đi phần sôi động, thậm chí có thể chi phối nội dung trọng tâm theo chủ đề của ban tổ chức về cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi các nền tảng của xã hội chúng ta"- nhà sáng lập WEF Klaus Schwad bày tỏ: "Nỗi lo lớn nhất của tôi là cuộc cách mạng này sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng đang xảy ra". "Những doanh nghiệp, những người tài năng sẽ thúc đẩy sáng tạo và thu lợi từ cuộc cách mạng, và ngược lại những người ở các ngành dịch vụ sẽ thua thiệt" - ông Schwad giải thích về nguy cơ bất bình đẳng từ mô hình kinh tế hiện đại. Một cuộc thăm dò quốc tế được công bố hôm 18-1 cho thấy phần lớn người dân tại nhiều nước trên thế giới quan ngại trí thông minh nhân tạo trong cuộc cách mạng công nghệ mới sẽ làm mất số lượng lớn việc làm của họ.

Quả thật, sự bất bình đẳng mà ông Schwad lo lắng nhất đã thể hiện rõ qua báo cáo mới đây của tổ chức nhân đạo Oxfam: 62 người giàu nhất thế giới có giá trị tài sản bằng tài sản phân nửa dân số thế giới. Đáng nói là tài sản của 62 người giàu tăng 44%, trong khi tài sản của 50% dân số thế giới sụt giảm 41% trong 5 năm qua. Nó cho thấy dẫu trong môi trường kinh tế khủng hoảng thế nào, người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết