14/06/2009 - 07:32

Dự án nâng cấp đô thị ĐBSCL

Cơ hội "đổi đời" cho những khu dân cư thu nhập thấp

Ngày 12-6-2009, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo chuẩn bị triển khai dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT) tại 5 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, gồm: TP Cần Thơ (Dự án 2), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh). Dự án NCĐT nhằm cụ thể hóa Quyết định 758/QĐ-TTg, ngày 8-6-2009, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình NCĐT quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 sẽ triển khai tại các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc, nhằm cải tạo nâng cấp các khu dân cư (KDC) thu nhập thấp, với tổng số vốn khoảng 175.000 tỉ đồng. Đây là cơ hội tốt để các KDC thu nhập thấp ở các đô thị này “đổi đời”…

* ƯU TIÊN CHỌN ĐBSCL TRIỂN KHAI DỰ ÁN NCĐT GIAI ĐOẠN 2

Theo Tiến sĩ Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng, trong quá trình lựa trọn để đầu tư dự án NCĐT, Bộ Xây dựng đã xem xét rất kỹ để đi đến thống nhất chọn ĐBSCL triển khai dự án giai đoạn 2 này (riêng TP Cần Thơ là Dự án 2). Dự án xem xét trên các tiêu chí cơ bản như những yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Đối với các đô thị trong cả nước, thì đô thị ở ĐBSCL có rất nhiều những khu nhà ở thu nhập thấp thường gọi là nhà “ổ chuột”, môi trường, đời sống dân cư thấp kém, thiếu an toàn và không ổn định. Những khu đô thị này thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và điều kiện nhà ở rất thấp kém, ô nhiễm rác thải ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đồng thời, những khu vực này thường gây ra nguồn ô nhiễm cho thành phố, ảnh hưởng cảnh quan đô thị... So sánh với các vùng miền khác, những tồn tại ở nhiều đô thị ĐBSCL đang phải gánh chịu nặng nề hơn nhiều khu vực khác. Mặt khác, ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu đang có những hiệu ứng rất rõ như bão, lũ, mưa nắng thất thường, trong đó ĐBSCL cũng chính là khu vực nhạy cảm, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất...

Chính vì vậy, dự án NCĐT triển khai ở ĐBSCL nhằm mục đích cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức khu vực dân cư nghèo, tạo ra cơ sở hạ tầng đô thị bền chắc phù hợp với đặc trưng vùng sông nước ĐBSCL. Từ những nguyên nhân trên, qua quá trình nghiên cứu của các chuyên gia, sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ưu tiên trực tiếp đầu tư vào các đô thị vùng ĐBSCL. Đương nhiên, theo Quyết định 758/QĐ-TTg thì tất cả các đô thị loại IV trở lên trong cả nước sẽ được đầu tư nâng cấp từ nay đến 2020 nhằm xóa những khu vực đô thị nghèo nàn về hạ tầng kỹ thuật, thiếu an toàn cho người dân đang sinh sống, từng bước nâng cấp dần, xóa những khu nhà “ổ chuột”, tạo ra những thành phố phát triển bền vững trong tương lai.

Đô thị TP Cần Thơ ngày càng khang trang do việc đầu tư nâng cấp đô thị đang được quan tâm (Ảnh trên đường 30 Tháng 4).  

Tuy nhiên, dự án này mới đi vào những bước khởi đầu, xác định ưu tiên cho từng khu vực nghèo, khó khăn, thiếu an toàn, xác định qui mô, số hộ, nhu cầu thực tế. Các bước tiếp theo là báo cáo tiền khả thi để tập hợp báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ phê duyệt sẽ tiếp nhận nguồn tài trợ ODA ưu đãi của WB... Quá trình chuẩn bị cho dự án này phải mất hơn một năm nữa với sự phối hợp tích cực của địa phương hướng tới tài khóa 2011 lúc đó sẽ có nguồn tài chính chính thức triển khai dự án ra các địa phương này...

Quy mô, mục tiêu dự án NCĐT ĐBSCL lần nay cũng tương tự như dự án đầu tiên NCĐT Việt Nam triển khai ở 4 thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định và TP Cần Thơ. Dự án sẽ gồm 6 cấu phần chính: Nâng cấp các KDC thu nhập thấp; nâng cấp hạ tầng lớn hơn, trục xương sống chính của thành phố; nhà ở tái định cư; tăng cường năng lực quản lý nhà đất cho các địa phương; tài chính giúp người dân nguồn vốn vay để sửa nhà, cải thiện thu nhập; và tăng cường năng lực cho các ban quản lý dự án và giúp người dân trong cộng đồng nhận thức để cùng chung bảo vệ môi trường đô thị, các lợi ích của KDC mình đang sinh sống.

Ông Dean Cira, Điều phối viên khu vực đô thị của WB, cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, trong đó ĐBSCL dự báo sẽ bị tác động không nhỏ, nên WB sẽ lưu ý với các địa phương nơi dự án đi qua cần phải quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, những KDC dọc bờ sông sẽ bố trí lại dân cư vào các khu TĐC mới nhằm tránh bị ảnh hưởng của nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt... Trong thiết kế dự án, hệ thống thoát nước chính cũng cân nhắc thiết kế phù hợp với cao độ và dự kiến được mực nước tăng lên do biến đổi khí hậu. WB cũng sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trước nguy cơ thời tiết thay đổi phức tạp để họ có thể thích ứng từ việc định cư, xây dựng nhà cửa, đi lại... cùng với đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở.

Đối với dự án NCĐT ĐBSCL, WB dự kiến sẽ cho vay ưu đãi khoảng 200 triệu USD, mỗi thành phố sẽ được đầu tư từ 30 – 40 triệu USD, cộng với nguồn vốn đối ứng của địa phương. Hy vọng, dự án này sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân ở các đô thị ĐBSCL.

* CẦN LƯU Ý ĐẾN TÁC ĐỘNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Dự án NCĐT triển khai ở ĐBSCL là yêu cầu rất cần thiết để phát triển đô thị trong vùng. Chương trình nâng cấp đô thị Việt Nam giai đoạn 1 TP Cần Thơ được lựa chọn và triển khai rất tốt, hiệu quả cao, phần lớn mục tiêu đề ra đều đạt yêu cầu, mang lại diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp. Những bài học kinh nghiệm ở những đô thị đã triển khai gắn kết với thực tiễn, có thể áp dụng vào các địa phương ĐBSCL...

Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong dự án NCĐT ở ĐBSCL cần lưu ý đến vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân cũng như là thách thức cho sự phát triển bền vững của các địa phương ĐBSCL và cả nước. Những vấn đề rất cụ thể đặt ra cho chúng ta trước vấn đề biến đổi khí hậu là nguy cơ mực nước biển dâng, xâm thực nước mặn qua các cửa sông, lượng mưa, lũ hằng năm thất thường sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống người dân... Tất cả những vấn đề đó cần được nghiên cứu để đưa vào những nội dung trong các hợp phần NCĐT ĐBSCL giai đoạn mới này một cách phù hợp và dự báo được những nguy cơ tiềm ẩn phía trước. Hội thảo này sẽ là cơ hội rất tốt để có sự chia sẻ và thống nhất chung của các bên có liên quan và vai trò của từng địa phương trong thực thi dự án này... Theo chúng tôi, sẽ cần có nhiều hơn những cuộc hội thảo như thế này để tìm ra những giải pháp chung; để tuyên truyền cho mọi người dân cùng nhận thức về vấn đề nhạy cảm này, thì dự án NCĐT ĐBSCL mới phát huy được hiệu quả cao nhất...

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết