15/02/2018 - 16:21

Chuyện năm Tuất
Vui buồn cùng cún cưng 

Tháng 7-1894, tại Anvers (Bỉ), trong cuộc triển lãm hoàn vũ về chó, hai chú chó Phú Quốc là Xoài và Chuối đạt giải cao, được ghi tên và lý lịch vào catalogue. Đến năm 2011, Đốm và Vện tham gia đấu xảo tại sàn đấu World Dogshow ở Paris. Đến năm Tuất này, chó xoáy Phú Quốc đã ghi tên quốc tế 124 năm. Và ngày nay, câu chuyện bảo tồn giống chó xoáy Phú Quốc của những người tâm huyết, đưa cho “đi học”; dẫn chó đi spa, thụ hưởng dịch vụ “sang, chảnh” ở khách sạn, tham gia cuộc thi “nhan sắc” dành cho chó; đưa đến bệnh xá… đã trở nên gần gũi trong đời sống thường nhật.

Vui buồn cùng cún cưng

Chủ đi du lịch, công tác, chó được gửi vào khách sạn phòng máy lạnh, tắm xà bông ngoại nhập, được cắt giũa móng chân, chải lông… và được nhân viên dạy, tu sửa “tính nết” để ngoan hơn. Khi bệnh, chủ đưa đi bệnh xá, có “bệnh nhân” nhõng nhẽo, thích chiều chuộng nhưng cũng có “bệnh nhân” rất nóng nảy, không hợp tác… Những câu chuyện ấy tạo nên bức tranh sống động về con vật cưng này.

“Sang, chảnh” ở khách sạn

Đến với khách sạn “cún cưng” đầu tiên ở khu vực ĐBSCL - Phòng khám Thú y Ngọc Thảo, 38/2B đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cún cưng được spa và làm đẹp, dưỡng lão, kiểm tra sức khỏe, tiêm ngừa… những dịch vụ “sang, chảnh” dành cho thú cưng đều có tại đây. Trong 50 phòng của khách sạn có 12 phòng dưỡng lão dành cho chó già và 38 phòng VIP. Trong quá trình “lưu trú” ở khách sạn, cún được dạo chơi, phơi nắng sớm và có chế độ dinh dưỡng cho từng nhóm riêng biệt. Nếu khách hàng gửi từ 2 ngày trở lên, cún sẽ được hưởng gói spa cơ bản bằng sữa tắm ngoại nhập và chỉ thú cưng có sổ theo dõi sức khỏe (xổ giun định kỳ, tiêm ngừa đầy đủ) khách sạn mới nhận giữ, với mức giá 40.000– 200.000 đồng/ngày tùy trọng lượng thú cưng.

Các chú cún được các nhân viên tỉa lông, vệ sinh tai…

Các chú cún được các nhân viên tỉa lông, vệ sinh tai…

Khách sạn còn có Pet shop với trên 200 mặt hàng rất tinh xảo dành cho thú cưng, nào là: thức ăn, sữa nhập ngoại, vòng cổ phát sáng, thùng vận chuyển cún, nhà, đệm, áo, sữa tắm, dầu gội, đai địu, bát ăn chống nghẹn, dù che nắng mưa, túi ngủ, lược gỡ rối lông, thảm lót đi xe hơi cho thú cưng,… Một dịch vụ đặc biệt khác là cún được dạy “sửa hành vi” để ngoan hơn. Chị Thu, ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, TP Cần Thơ thường gởi cún ở khách sạn, bộc bạch: “Chó của tôi nuôi rất dữ. Khi gởi ở khách sạn, nhân viên dạy nên ngoan và biết nghe lời hơn. Nhiều khi tôi đến rước, nó không chịu về nhà!”.

Ban đầu, bác sĩ Võ Ngọc Thảo- chủ Phòng khám Thú y Ngọc Thảo - chỉ mở phòng khám chuyên điều trị cho thú cưng nhưng nhu cầu gửi thú cưng của người dân ngày một tăng, nên chị mở luôn khách sạn. “Hồi còn sinh viên, trường chỉ dạy điều trị, còn spa, khách sạn… tôi không có kinh nghiệm, nên phải khăn gói lên TP Hồ Chí Minh tầm sư và đọc thêm tài liệu của nước ngoài”- chị Thảo kể. Theo chị Thảo, chó là vật nuôi thông minh, nhạy cảm, nếu người chăm sóc, điều trị không yêu chúng, không tạo cảm giác an toàn thì thú cưng sẽ hoảng sợ và cắn, quào… người chăm sóc. Lẽ đó, bài test tuyển nhân viên mà chị Thảo áp dụng luôn ưu tiên tiêu chí yêu thú cưng, kế đến mới là chuyên môn thú y.

Cún ở khách sạn.

Cún ở khách sạn.

Theo chị Thảo, khách hàng từ các tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long… thường đem cún đến đây spa vào cuối tuần. Mang chó đến làm đẹp tại Phòng khám Thú y Ngọc Thảo, chị Nguyễn Thị Ba (tỉnh Hậu Giang) khoe: “Hai em cún này con gái tôi mua ở ngoài miền Bắc chuyển vào. Mỗi con 6 triệu đồng. Tôi mang lên đây chăm sóc, làm đẹp hằng tuần. Giờ cho chúng lên nhuộm lông, giũa móng chân để đón Tết”. Nói rồi chị Ba quay sang vuốt ve chú lông xù màu trắng đang được nhân viên nhuộm lông màu hồng phần lỗ tai và bốn chân rất xinh xắn; cô cún nhỏ thì nằm yên trên một chiếc ghế khác, mắt lim dim để 3 nhân viên vệ sinh tai, tỉa lông, cắt móng… Tận hưởng dịch vụ làm đẹp mà người chủ dành cho mình, những chú cún cưng trông thật “sang, chảnh”.

Cảm động ở bệnh xá cún cưng

Những lúc đau ốm, cún cưng được chủ đưa đi bệnh xá. Những câu chuyện cấp cứu hy hữu và những cuộc tiễn đưa ngậm ngùi, rơi lệ ở Bệnh xá Thú y- Đại học Cần Thơ như làm tăng thêm tình yêu thương của con người đối với con vật cưng, trung thành.

Nhân viên Bệnh xá Thú y tận tình điều trị cho chú chó bị bệnh.

Nhân viên Bệnh xá Thú y tận tình điều trị cho chú chó bị bệnh.

Chiều gần cuối năm gà, Na - tên chú chó Nhật được cô Thu Thanh (ở quận Ninh Kiều) và con trai đưa vào Bệnh xá Thú y - Trường Đại học Cần Thơ cấp cứu. Trong phòng cấp cứu, cơ thể Na căng cứng, thở hắt một cái mạnh, miệng túa máu tươi… và Na đã trút hơi thở cuối cùng. Cô Thanh vuốt đầu Na, mắt buồn rười rượi: “Tôi về mấy hôm chịu tang cha ở Sóc Trăng. Na ở trên này phát bệnh, khi tôi trở lại Cần Thơ, bệnh của Na trầm trọng lắm, tưởng đâu đưa vào đây nó có cơ hội sống. Ai dè!”. Na là “bệnh nhân” quen thuộc của Bệnh xá thú y này, thạc sĩ Trần Thị Thảo, phụ trách quản lý bệnh xá phải giải thích cho cô Thanh hiểu Na ra đi vì lớn tuổi, kiệt sức, lại mắc bệnh tim thời gian dài nên không qua khỏi, chứ không phải lỗi của cô Thanh.

Hơn 10 năm sống cùng gia đình cô Thanh, Na được sự yêu thương, bảo bọc như thành viên trong gia đình. Sau Na là Ti. Ti sống trong một ngôi chùa ở quận Ninh Kiều. Ti bị sa bàng quang, bác sĩ Bệnh xá Thú y- Đại học Cần Thơ tư vấn điều trị cho Ti bằng phẫu thuật nâng bàng quang. Tuy nhiên, Ti lớn tuổi, nên nhiều nguy cơ trên bàn mổ. Sư cô đã chia sẻ cùng với bác sĩ: “Ti đã hơn 14 năm sống trong chùa. Chúng ta đều cố gắng hết sức để chữa trị cho nó, còn nếu có rủi ro, âu cũng là số của nó, chứ sống mà đau đớn quá thì càng tội nghiệp hơn!”.  Ở Bệnh xá Thú y này, trong một ngày, cung bậc cảm xúc vui- buồn đan xen nhau. Dứt câu chuyện buồn, lại có chuyện vui, như chuyện chú chó hun mặt xệ bị bệnh tim, bác sĩ căn dặn chủ nuôi rất nhiều lần là không nên để nó mang thai, nhưng cô chủ mang nó đến bệnh xá 3 lần để mổ cấp cứu sinh, có lần cô nàng sinh được 11 chú cún con… Cô chủ chỉ bẽn lẽn cười trừ.

Câu chuyện chia ly Na và Ti, chuyện chú chó bệnh tim mang thai… được bác sĩ Thảo thuật lại không sót một chi tiết. Theo bác sĩ Thảo, bác sĩ thú y phải yêu vật nuôi lắm mới vượt lên những vất vả của nghề. Mỗi cán bộ công tác tại bệnh xá đều phải tiêm ngừa bệnh dại chủ động, vì trong quá trình làm việc thường bị chó cắn, quào và có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền từ chó trong quá trình tiếp xúc. Nhưng tấm lòng thầy thuốc đối với vật nuôi chẳng khác gì tấm lòng của thầy thuốc đối với người bệnh.

Theo bác sĩ Thảo, chó cũng như người, cũng mắc các bệnh nội khoa như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, tiêu chảy máu, bị các chấn thương, dị tật cần phẫu thuật… Bệnh xá hiện nay vừa là địa chỉ điều trị bệnh thú nuôi, vừa là cơ sở đào tạo cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành chăn nuôi thú y. Nên tất cả đều phải chỉn chu, các em sinh viên không chỉ được truyền lửa nghề mà còn được huấn luyện cách yêu thương thú cưng.

HUỆ HOA- THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết